Tôi muốn kể các bạn nghe trải nghiệm khó xử nhất đã từng xảy ra với tôi trong suốt những năm làm bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ. Chuyện này xảy ra cách đây vài năm. Tôi được yêu cầu làm bác sĩ tham vấn cho một phụ nữ ngoài 70 tuổi -- một giáo sư tiếng Anh đã về hưu bị ung thư tụy. Tôi được yêu cầu chăm sóc bà ta vì bà ta bị đau, buồn nôn, nôn... Khi tôi đến thăm bà, chúng tôi bàn các triệu chứng đó và trong buổi tham vấn ấy, bà đã hỏi tôi liệu cần sa y tế sẽ giúp bà bớt đau không. Tôi nhớ lại mọi thứ tôi đã học ở trường y về cần sa y tế, việc đó chẳng mất nhiều thời gian lắm vì hồi đó tôi hoàn toàn chẳng học được gì, nên tôi nói với bà ấy rằng theo hiểu biết của tôi, cần sa y tế không có bất kì lợi ích gì. Bà ta cười, gật đầu, rồi với tay đến cái túi xách cạnh giường và lấy ra một xấp gồm chừng một tá báo cáo ngẫu nhiên và được kiểm soát cho thấy rằng cần sa y tế có tác dụng đối với các triệu chứng như buồn nôn, đau và cảm giác lo âu. Bà đưa tôi những báo cáo đó và nói, "Có lẽ anh nên đọc xấp này trước khi đưa ra ý kiến ... bác sĩ à." (Tiếng cười) Và tôi đã đọc. Đêm đó, tôi đọc hết các báo cáo và tìm thêm một số bài viết khác. Khi tôi đến thăm bà vào sáng hôm sau, tôi đã phải thừa nhận rằng dường như có những bằng chứng về việc cần sa y tế có tác dụng y học, tôi cũng đề xuất với bà ta rằng nếu thực sự muốn thì bà nên dùng nó. Các bạn biết bà ta nói gì không? Vị giáo sư tiếng Anh về hưu 73 tuổi này? Bà ta nói :"Tôi dùng nó cách đây chừng sáu tháng. Nó thật tuyệt. Tôi dùng nó mỗi ngày kể từ lúc ấy. Thứ thuốc tuyệt nhất tôi từng thấy. Chẳng hiểu sao mãi đến 73 tuổi thì tôi mới biết thứ này. Nó quá tuyệt." (Tiếng cười) Đó là lúc tôi nhận ra tôi cần phải tìm hiểu về cần sa y tế vì những điều tôi lĩnh hội ở trường y chẳng liên hệ gì đến thực tế. Tôi bắt đầu đọc thêm các báo cáo, trao đổi với các nhà nghiên cứu, với các bác sĩ, và quan trọng nhất là tôi lắng nghe các bệnh nhân. Rồi tôi viết một cuốn sách dựa trên những trao đổi đó và cuốn sách thực sự xoay quanh ba điều ngạc nhiên đối với tôi. Một điều tôi đã đề cập -- đó là cần sa y tế thực sự có tác dụng. Những tác dụng đó không đến mức to lớn hay ấn tượng như một số người ủng hộ nhiệt thành của cần sa y tế làm chúng ta tin như vậy, nhưng chúng là thật. Điều ngạc nhiên thứ hai: cần sa y tế thực sự có những nguy cơ, mặc dù chúng không quá nổi bật hay đáng sợ như những người phản đối cần sa y tế làm chúng ta tin như vậy, nhưng chúng vẫn là những nguy cơ hiện hữu. Đến điều bất ngờ thứ ba mới là điều... bất ngờ nhất. Đó là rất nhiều bệnh nhân mà tôi đã nói chuyện, những người chuyển sang dùng cần sa y tế không phải vì tác dụng của nó, hay vì sự cân bằng giữa lợi và hại, hay vì họ nghĩ nó là thứ thuốc kì diệu, mà là vì nó giúp họ kiểm soát bệnh tình của họ. Nó cho phép họ tự quản lí sức khỏe theo hướng tích cực, hiệu quả, hiệu nghiệm và thoải mái với họ. Tôi sẽ kể về một bệnh nhân khác để minh họa cho ý của tôi. Robin chỉ ngoài 40 một chút khi tôi gặp cô, vậy mà lúc đó cô ấy trông như gần 70. Cô ấy bị bệnh thấp khớp suốt 20 năm qua, tay cô ấy xương xẩu vì viêm khớp, lưng thì còng, và cô ấy phải di chuyển bằng xe lăn. Cô ấy trông rất yếu ớt, và tôi nghĩ về mặt thể chất thì có lẽ là vậy, nhưng về mặt cảm xúc, nhận thức, và tâm lí, cô ấy nằm trong số những người mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp. Khi tôi ngồi cạnh cô ấy ở một cơ sở điều trị bằng cần sa y tế ở Bắc California để hỏi cô vì sao cô lại chuyển sang loại thuốc này, nó mang lại cho cô những gì và như thế nào, cô ấy bắt đầu nói với tôi những thứ tôi đã nghe nhiều bệnh nhân trước kể lại. Nó làm cô ấy bớt lo lắng; nó làm cô ấy bớt đau; khi bớt đau, giấc ngủ của cô cũng tốt hơn. Tôi nghe những điều này rồi. Rồi sau đó cô ấy lại nói một điều tôi chưa từng nghe, đó là thứ thuốc này giúp cô ấy làm chủ cuộc sống cũng như sức khỏe của cô. Cô ấy có thể dùng nó bất cứ lúc nào cô muốn theo cách cô muốn, với liều lượng và tần suất có hiệu quả với cô. Nếu nó không hiệu quả, cô ấy có thể thay đổi. Mọi thứ do cô ấy quyết định. Điều quan trọng nhất cô ấy nói là cô ấy không cần ai cho phép -- không hẹn khám, không bác sĩ kê đơn, không dược sĩ cho thuốc. Tất cả đều do cô ấy. Cô ấy làm chủ. Dường như đó là chuyện nhỏ với một người bị bệnh mãn tính, không phải chuyện nhỏ đâu -- không hề. Khi chúng ta đối mặt với một bệnh mãn tính, dù nó là thấp khớp, lupus ban đỏ, ung thư, tiểu đường, hay xơ gan, chúng ta đều mất kiểm soát. Lưu ý rằng tôi nói "khi", không phải "nếu", vì đến lúc nào đó trong đời, chúng ta đều gặp phải một căn bệnh mãn tính trầm trọng khiến chúng ta mất kiểm soát. Chúng ta thấy chức năng suy giảm, vài người sẽ thấy nhận thức suy giảm, chúng ta không còn khả năng tự chăm sóc chính chúng ta, làm những điều chúng ta muốn làm. Cơ thể chúng ta phản bội lại chúng ta, và trong quá trình đó, chúng ta sẽ mất kiểm soát. Điều đó thật đáng sợ; không chỉ đáng sợ -- nó rất khủng khiếp, nó rất ghê rợn. Khi tôi nói với các bệnh nhân ở diện chăm sóc xoa dịu, nhiều người trong số họ đang đối mặt với những căn bệnh có thể chấm dứt đời họ, họ sợ rất nhiều thứ -- đau, buồn nôn, nôn, táo bón, suy nhược, cái chết lơ lửng trên đầu; nhưng điều làm họ sợ hãi hơn bất kì thứ gì lại là khả năng đến lúc nào đó, ngày mai hoặc một tháng sau kể từ bây giờ, họ sẽ mất quyền làm chủ sức khỏe của họ, cuộc sống của họ, việc chăm sóc y tế của họ, và họ sẽ phụ thuộc vào những người khác; điều đó thật ghê rợn. Vì thế, thật sự là không có gì lạ khi những bệnh nhân như Robin, người tôi vừa kể với các bạn, người tôi gặp ở phòng khám, chuyển sang dùng cần sa y tế để cố gắng giữ lại một chút vẻ kiểm soát. Họ làm vậy như thế nào? Làm thế nào các cơ sở điều trị bằng cần sa y tế này -- như cái nơi tôi gặp Robin -- Làm thế nào họ giúp bệnh nhân như Robin có lại được sự tự chủ cần thiết? Và làm thế nào họ thực hiện theo cái cách mà các bệnh viện và phòng khám thông thường, ít nhất là với Robin, không thể làm được? Bí mật của các cơ sở này là gì? Thế là tôi quyết định tìm hiểu. Tôi đến một phòng khám cũ ở Venice Beach, California và có được giấy giới thiệu cho phép tôi trở thành bệnh nhân trị liệu bằng cần sa y tế. Tôi có thư giới thiệu cho phép tôi mua cần sa y tế. Lá thư đến với tôi một cách phi pháp, vì tôi không thường trú ở California -- tôi nên lưu ý điều đó. Tôi cũng xin nói với các bạn rằng tôi chưa hề dùng lá thư đề nghị đó để mua thuốc, và đối với các đặc vụ của Lực lượng Chống Ma túy -- (Tiếng cười) hãy yêu quý công việc của các bạn và cứ tiếp tục. (Tiếng cười) Mặc dù nó không cho phép tôi mua thuốc, lá thư đó vô cùng quý giá vì nó giúp tôi trở thành bệnh nhân. Nó cho phép tôi trải qua những gì mà những bệnh nhân như Robin đã trải qua khi họ đến một cơ sở điều trị bằng cần sa y tế. Những gì tôi đã trải qua -- những gì họ trải qua mỗi ngày, hàng trăm ngàn người như Robin -- thực sự đáng kinh ngạc. Tôi bước vào phòng khám, và từ cái lúc tôi bước vào nhiều trong số phòng khám và cơ sở y tế này, tôi cảm thấy rằng cơ sở y tế này, phòng khám này, là dành cho tôi. Lúc đầu thì có những câu hỏi về việc tôi là ai, loại công việc tôi đang làm là gì, mục đích của tôi khi tìm kiếm cách điều trị hay sản phẩm từ cần sa y tế, mục đích của tôi, sở thích của tôi, hi vọng của tôi, làm sao tôi nghĩ và hi vọng rằng nó sẽ giúp tôi, tôi lo ngại điều gì. Đây là những câu hỏi mà các bệnh nhân như Robin lúc nào cũng được hỏi. Những câu hỏi như vậy khiến tôi tự tin rằng người mà tôi đang nói chuyện thực sự quan tâm đến lợi ích của tôi và muốn tìm hiểu về tôi. Điều thứ hai tôi nhận thấy ở các phòng khám này là tính hiện hữu của thông tin. Thông tin không chỉ đến từ những người ở quầy tiếp tân, mà còn đến từ những người trong phòng chờ. Những người tôi gặp đều vui vẻ khi tôi ngồi cạnh họ -- những người như Robin -- và kể tôi nghe họ là ai, vì sao họ dùng cần sa y tế, nó giúp họ những gì và như thế nào, đồng thời cho tôi lời khuyên và gợi ý. Những phòng khám đó thực sự là nơi của sự tương tác, lời khuyên và sự hỗ trợ. Điều thứ ba là những người ở quầy tiếp tân. Tôi rất ngạc nhiên vì họ rất nhiệt tình để dành có lúc tới cả giờ đồng hồ hoặc hơn để trình bày các hiệu ứng giữa dòng thuốc này với dòng thuốc kia, giữa hút và hít, giữa thuốc ăn được và cồn nước -- tất cả, nhớ nhé, trong khi tôi không mua loại thuốc nào cả. Hãy nhớ lại lần gần đây nhất bạn đến bệnh viện hay phòng khám và lần gần đây nhất có ai đó dành cả giờ để trình bày những thứ đó cho bạn. Cái thực tế rằng các bệnh nhân như Robin đến với các phòng khám này, đến với những cơ sở y tế này và nhận được sự quan tâm cá nhân như vậy, cũng như thông tin và dịch vụ, thực sự nên là một lời nhắc nhở đối với hệ thống y tế. Những người như Robin đang quay lưng với y học chính thống, và chuyển qua các cơ sở điều trị bằng cần sa y tế bởi các cơ sở này mang lại cho bệnh nhân thứ họ cần. Nếu đó là lời nhắc nhở cho hệ thống y tế, thì đó là lời nhắc nhở mà nhiều đồng nghiệp của tôi hoặc không nghe hoặc không muốn nghe. Khi tôi nói chuyện với đồng nghiệp, cụ thể là các bác sĩ, về cần sa y tế, họ nói :"Ồ, chúng ta cần thêm chứng cứ. Chúng ta cần làm thêm các nghiên cứu về tác dụng cũng như nguy cơ." Và các bạn biết gì không? Họ nói đúng. Họ nói cực kì đúng. Chúng ta thật sự cần thêm chứng cứ về tác dụng của cần sa y tế. Chúng ta cũng cần yêu cầu chính phủ liên bang xếp cần sa ở danh mục Cấp II, hoặc hoàn toàn loại nó ra khỏi danh mục để mở đường cho việc nghiên cứu. Chúng ta cũng cần thêm các nghiên cứu về nguy cơ của cần sa y tế. Nguy cơ của cần sa y tế -- tác hại của dùng thuốc để giải trí là phổ biến, nhưng chúng ta lại không biết gì về nguy cơ của cần sa y tế, vậy nên chúng ta thực sự cần làm nghiên cứu; nhưng nếu nói rằng ta làm nghiên cứu mà không thực hiện bất kì thay đổi nào lúc này là hoàn toàn không hợp với ý của tôi. Những người như Robin không tìm đến cần sa y tế vì họ nghĩ đó là thứ thuốc kì diệu, hay vì họ cho rằng nó hoàn toàn không có nguy cơ gì. Họ tìm đến nó vì bối cảnh mà nó được cung cấp, phân phối và sử dụng, mang lại cho họ sự tự chủ cần thiết đối với cuộc sống của họ. Đó là lời nhắc nhở mà chúng ta cần thực sự chú ý đến. Tin tốt là có những bài học mà chúng ta có thể tiếp thu ngay hôm nay từ các cơ sở điều trị bằng cần sa y tế đó. Đó là những bài học ta thực sự cần tiếp thu. Đây thường là các cơ sở nhỏ kiểu gia đinh được quản lí bởi những người không qua đào tạo y tế. Mặc dù thật đáng xấu hổ khi nghĩ rằng phần lớn các phòng khám và cơ sở này đang cung cấp những dịch vụ và hỗ trợ, cũng như đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân theo cái cách mà các hệ thống chăm sóc y tế tỉ đô không làm được -- chúng ta nên xấu hổ vì điều đó -- nhưng chúng ta cũng có thể học từ nó. Có lẽ có ít nhất ba bài học mà ta có thể học hỏi từ các cơ sở nhỏ này. Một: chúng ta cần tìm cách để mang lại nhiều sự tự chủ cho bệnh nhân hơn theo hướng đơn giản mà quan trọng. Cách thức tương tác với y bác sĩ, Thời điểm tương tác với y bác sĩ, cách sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cho bệnh nhân. Trong công việc của mình, tôi đã trở nên sáng tạo và linh hoạt hơn khi hỗ trợ bệnh nhân của tôi trong việc dùng thuốc an toàn để trấn áp các triệu chứng -- nhấn mạnh đến an toàn. Nhiều loại thuốc tôi kê đơn bao gồm cả thuốc nhóm opioid hay benzodiazepines vốn có thể gây nguy hiểm nếu bị lạm dụng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Chúng có thể gây nguy hiểm khi bị lạm dụng, nhưng chúng cũng sẽ vô hiệu nếu không được dùng theo hướng phù hợp với mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân. Vì thế, sự linh hoạt như vậy, nếu được thực hiện một cách an toàn, có thể vô cùng hữu ích với các bệnh nhân và gia đình của họ. Đó là điều thứ nhất. Hai: thông tin. Những cơ hội to lớn để học hỏi từ những thủ thuật của các cơ sở chữa trị bằng cần sa y tế để cung cấp thêm thông tin mà không nhất thiết phải mất nhiều thời gian thăm khám hay không mất thời gian thăm khám; cả những cơ hội để tìm hiểu các loại thuốc ta đang sử dụng kèm theo lí do, việc tiên lượng, tiến triển của bệnh, và quan trọng nhất, là cơ hội để các bệnh nhân học hỏi lẫn nhau. Làm sao có thể rập khuôn những gì xảy ra trong phòng chờ của các phòng khám và cơ sở y tế đó? Cách các bệnh nhân học hỏi và chia sẻ lẫn nhau. Điều quan trọng cuối cùng, ưu tiên bệnh nhân như cách các cơ sở điều trị bằng cần sa y tế đang làm, làm cho bệnh nhân tự họ cảm thấy thích thứ họ muốn, thứ họ cần, chính là lí do mà giới y bác sĩ... ... chúng ta tồn tại. Hỏi thăm bệnh nhân về niềm hi vọng, nỗi sợ hãi, mục tiêu và sở thích của họ Là bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ tôi hỏi mọi bệnh nhân rằng họ hi vọng gì và họ e ngại gì. Nhưng có điều này: Đừng để bệnh nhân phải chờ đến lúc ốm thập tử nhất sinh, đến mức gần đất xa trời, đừng để họ phải chờ đến lúc họ được một bác sĩ như tôi thăm khám trước khi có ai đó hỏi họ, "Ông/bà hi vọng điều gì?" "Ông/bà e ngại điều gì?" Điều này cần được thực hiện trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế. Chúng ta có thể làm được -- chúng ta thật sự có thể. Các phòng khám và cơ sở điều trị bằng cần sa y tế trên khắp đất nước đang làm điều này. Họ đang làm điều này theo cách khiến các hệ thống y tế quy mô và chính thống hơn trở nên lạc hậu; nhưng ta có thể học từ họ, và ta phải học từ họ. Mọi thứ ta cần làm là bỏ qua sự tự mãn -- trong chốc lát, hãy quên đi rằng vì ta có một lô học vị ghi đằng sau tên ta, vì ta là chuyên gia, vì ta là các nhân viên y tế hàng đầu của một hệ thống khổng lồ, nên ta biết mọi điều cần biết về cách đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Chúng ta cần dẹp bỏ tự mãn. Chúng ta cần đến thăm vài cơ sở điều trị bằng cần sa y tế. Chúng ta cần tìm hiểu việc họ đang làm. Chúng ta cần tìm hiểu lí do nhiều bệnh nhân như Robin đang rời bỏ những phòng khám truyền thống và đi đến các cơ sở điều trị bằng cần sa y tế. Chúng ta cần tìm hiểu thủ thuật và cơ sở vật chất của họ, đồng thời học hỏi từ họ. Nếu chúng ta làm vậy, tôi nghĩ chúng ta làm được và thiết nghĩ chúng ta phải làm, chúng ta có thể đảm bảo mọi bệnh nhân của ta sẽ có trải nghiệm tốt hơn nhiều. Cảm ơn các bạn. (Tiếng vỗ tay)