Một nhân viên ngân hàng ở London gửi các thông tin chứng khoán mới nhất cho đồng nghiệp ở Hồng Kông trong vòng chưa đầy một giây. Với một cú nhấp chuột, khách hàng tại New York đặt hàng thiết bị được chế tạo tại Bắc Kinh, được vận chuyển qua đại dương trong vài ngày bởi máy bay chở hàng hoặc tàu container. Tốc độ và khối lượng hàng hóa và thông tin lưu chuyển trên thế giới hiện nay là chưa từng có trong lịch sử. Trao đổi toàn cầu đã có từ rất lâu, cách đây hơn 2.000 năm trải dài trên 5.000 dặm, được gọi là Con đường Tơ lụa. Con đường Tơ lụa không hẳn là một con đường, mà là một mạng lưới nhiều tuyến đường dần xuất hiện qua nhiều thế kỷ, kết nối các lục địa với nhau như tơ đan thành lụa. Các nền văn minh nông nghiệp đầu tiên xuất hiện tách biệt tại các thung lũng sông màu mỡ, việc đi lại bị cản trở bởi địa lý và nỗi sợ hãi trước điều không biết. Theo thời gian, người ta thấy rằng sa mạc khô cằn và vùng biên giới có người ở, chứ không phải ma quỷ trong dân gian, những bộ lạc du mục lớn lên trên lưng ngựa. Người Scythia, sinh sống trên dải đất từ Hungary đến Mông Cổ, đã tiếp xúc với nền văn minh Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ và Trung Quốc. Những cuộc chạm trán này thường không mấy hòa bình. Qua các cuộc tấn công, chiến tranh, cũng như thương mại và bảo tiêu để đổi lấy tiền bạc người du mục bắt đầu chuyển tải hàng hoá, tư tưởng, công nghệ giữa các nền văn hóa tách biệt. Một trong những sợi dây quan trọng nhất của mạng lưới này là Con đường Hoàng gia Ba Tư, được hoàn thành bởi Vua Darius Đệ Nhất vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Trải dài gần 2.000 dặm từ sông Tigris đến biển Aegean, các trạm chuyển tiếp cho phép hàng hóa và tin tức được chuyển đi trong 1/10 thời gian của một người du hành bình thường. Cùng với cuộc chinh phục Ba Tư của Alexander Đại đế, xâm nhập vào Trung Á bằng việc chiếm đóng các thành như Samarkand, lập nên những thành phố mới như Alexandria Eschate, mạng lưới văn hóa và thương mại của Hy Lạp, Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ mở rộng xa hơn về phía đông hơn bao giờ hết, đặt nền móng cho cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây. Điều này được thực hiện vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, khi một sứ giả tên Zhang Qian, được gửi đến để đàm phán với dân du mục phương Tây, trở về gặp Hoàng đế người Hán với câu chuyện về các nền văn minh tiên tiến, thương mại thịnh vượng và những hàng hóa mới lạ bên ngoài biên giới phía Tây. Sứ giả và các thương gia được gửi tới Ba Tư và Ấn Độ để đổi lụa và ngọc bích lấy ngựa và bông, cùng với quân đội để bảo vệ đoàn lái buôn của họ. Các tuyến đường Đông và Tây dần dần nối liền thành một thể gắn kết trải khắp Âu-Á, cho phép trao đổi văn hóa và thương mại xa hơn bao giờ hết. Hàng hoá Trung Quốc đã đến Rome, gây ra sự thất thoát vàng dẫn đến lệnh cấm hàng tơ lụa, trong khi thủy tinh La Mã được bán giá cao tại Trung Quốc. Cuộc thám hiểm quân sự ở Trung Á cũng chứng kiến cuộc chạm trán giữa lính Trung Quốc và La Mã. Thậm chí có thể đã mang kỹ thuật làm cung tên sang thế giới phương Tây. Nhu cầu về hàng hóa mới lạ từ nước ngoài và lợi nhuận nó mang lại, đã giữ cho Con đường Tơ lụa nguyên vẹn, ngay cả khi đế chế La Mã tan rã các triều đại Trung Quốc nổi lên rồi sụp đổ. Ngay cả người Mông Cổ, nổi tiếng với cướp bóc và tàn phá cũng tích cực bảo vệ các tuyến đường thương mại, thay vì chia cắt. Cùng với hàng hóa, các con đường cũng mang đi các tập quán, những phát kiến, tư tưởng và ngôn ngữ. Bắt nguồn từ Ấn Độ, Phật giáo đã di cư đến Trung Quốc và Nhật Bản trở thành tôn giáo chủ đạo tại đây. Hồi giáo lan từ bán đảo Ả Rập vào Nam Á, pha trộn với tín ngưỡng bản địa hình thành các tôn giáo mới, như đạo Sikh. Thuốc súng từ Trung Quốc cũng đã đến Trung Đông góp phần vào tương lai các Đế chế Ottoman, Safavid và Mughul. Thành công của Con đường Tơ lụa dẫn đến sự diệt vong của chính nó khi công nghệ hàng hải mới như la bàn từ tính, tìm đường đến châu Âu, tuyến đường bộ quá dài hóa lỗi thời. Cùng lúc, sự sụp đổ của đế chế Mông Cổ tiếp theo là sự rút lui của Trung Quốc khỏi thương mại quốc tế. Mặc dù tuyến đường và mạng lưới cũ không còn nữa, chúng đã thay đổi thế giới mãi mãi. Người châu Âu tìm kiếm các tuyến đường hàng hải mới để đến với sự giàu có tại Đông Á từ đây, bắt đầu Kỉ nguyên Thám hiểm, mở rộng sang châu Phi và châu Mỹ. Liên kết toàn cầu làm thay đổi cuộc sống chúng ta. Người Canada mua áo thun làm ở Bangladesh, khán giả Nhật xem chương trình truyền hình của Anh, người Tunisia sử dụng phần mềm Mỹ để làm cách mạng. Tác động của toàn cầu hóa về văn hóa và kinh tế là không thể chối cãi. Lợi ích và nhược điểm của nó, không còn là một hiện tượng mới. Núi cao, sa mạc và đại dương, thứ từng phân rẽ chúng ta đã bị đánh bại nhờ vào máy bay vận tải siêu âm, cáp thông tin xuyên lục địa, và tín hiệu phát đi trong không gian thay cho đoàn lữ hành ra đi trong nhiều tháng, không thể có những thành tựu ấy nếu không có nền văn hóa tiên phong cùng những nỗ lực làm nên Con đường Tơ lụa: mạng lưới toàn cầu đầu tiên trong lịch sử.