Khoảng đầu năm nay, tôi được thông báo mình sẽ trình bày một bài nói trên TED. Nên tôi đã rất hào hứng, rồi lại hoảng, rồi lại tiếp tục hào hứng, rồi lại hoảng, và ở giữa sự hào hứng và hoảng sợ, tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin, và chủ yếu là google về cách để thể hiện một bài nói trên TED sao cho hay. (Cười) Và cùng lúc đó, tôi google về Chimamanda Ngozi Adichie. Bao nhiêu bạn biết đó là ai? (Hưởng ứng) Tôi google về cô ấy bởi vì tôi luôn làm thế, vì tôi là fan mà, nhưng cũng là vì cô ấy luôn có những điều quan trọng và thú vị để nói. Và kết hợp những lần tìm kiếm đó lại cứ dẫn tôi đến những bài nói của cô ấy về sự nguy hiểm của một câu chuyện đơn lẻ, về điều sẽ xảy ra khi chúng ta có một cái nhìn đơn chiều dùng để quan sát một nhóm người nhất định, và nó là một bài nói tuyệt vời. Đó là bài nói tôi sẽ dùng nếu tôi là người nổi tiếng trước. (Cười) Bạn biết đó, kiểu như, cô ấy là người châu Phi và tôi cũng thế, cô ấy là nhà nữ quyền và tôi cũng vậy, cô ấy là người kể chuyện, tôi cũng vậy luôn, hệt như đó là bài nói của mình. (Cười) Nên tôi quyết định sẽ học lập trình, và rồi tôi sẽ hack internet, và tôi sẽ gỡ hết toàn bộ bản sao của bài nói đó, và tôi cố ghi nhớ nó, rồi đến đây và truyền tải như thể đó là bài nói của riêng mình. Kế hoạch đó đang rất trót lọt, ngoại trừ phần lập trình ra, và rồi một buổi sáng cách đây vài tháng, tôi nghe nói đến tin tức về một người vợ của một ứng cử viên tổng thống đã có một bài nói mà -- (Cười) (Vỗ tay) thật kỳ lạ là nghe giống bài nói bởi một người tôi thích, Michelle Obama. (Hưởng ứng) Và thế là tôi quyết định mình nên viết bài nói của riêng mình, và đó là vì sao tôi ở đây để trình bày bài nói đó. Tôi ở đây để nói về sự quan sát của mình về nghệ thuật kể chuyện. Tôi muốn nói với các bạn về sức mạnh của những câu chuyện, dĩ nhiên rồi, nhưng tôi cũng muốn nói về những hạn chế của chúng, đặc biệt là đối với chúng ta, những người hứng thú với công lý xã hội. Từ lúc Adichie trình bày bài nói đó cách đây bảy năm, đã có một sự bùng nổ về nghệ thuật kể chuyện. Chuyện kể ở khắp nơi, và nếu có mối nguy về việc kể một chuyện cũ nhàm chán, tôi nghĩ sẽ phải tán dương rất nhiều về sự dồi dào của rất nhiều câu chuyện và rất nhiều giọng kể. Chuyện kể là thuốc giải cho thành kiến. Thực ra, hiện nay, nếu bạn là tầng lớp trung lưu và có kết nối internet, bạn có thể tải về các câu chuyện chỉ bằng cách nhấn nút hoặc lướt màn hình. Bạn có thể nghe qua podcast về việc phát triển tầng lớp Dalit ở Kolkata như thế nào. Bạn có thể nghe một người bản xứ ở Úc nói về những thử thách và thành công trong việc nuôi dạy con một cách đường hoàng và tự hào. Chuyện kể làm chúng ta biết yêu. Chúng hàn gắn vết nứt, kết lại chia rẽ. Chuyện kể thậm chí giúp ta thấy dễ dàng hơn khi nói về cái chết của con người trong những xã hội của ta, những người bình dị, bởi vì chuyện kể làm ta thấy quan tâm. Đúng không nào? Tôi không chắc lắm, và tôi thật sự làm việc cho một nơi tên là Trung tâm Chuyện kể. Và công việc của tôi là giúp kể những câu chuyện thách thức chuyện kể truyền thống định nghĩa việc sẽ thế nào nếu bạn da đen hay là một người Hồi giáo hay người tị nạn hay bất kì ai mà chúng ta luôn nói tới. Nhưng tôi đến với công việc này sau một thời gian dài làm một nhà hoạt động công lý xã hội, và tôi thật sự ấn tượng với cái cách mà người ta nói về chuyện phi hư cấu như thể nó ý nghĩa nhiều hơn là thuần giải trí, như thể nó là chất xúc tác cho hành động xã hội. Rất thường xuyên người ta nói rằng chuyện kể giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tuy vậy, càng ngày tôi càng lo rằng thậm chí những câu chuyện cảm động nhất, cụ thể là về những người có vẻ như chẳng ai thèm để ý, có thể cản trở hành động cho công lý xã hội. Đó không phải là vì người kể có ý muốn gây hại. Mà khá là ngược lại đấy. Người kể chuyện thường có thành ý tốt như tôi và tôi đồ rằng, như các bạn. Và khán giả của họ thường là những người rất trắc ẩn và dễ đồng cảm. Tuy nhiên, thành ý tốt có thể có những hệ quả khó lường, thế nên tôi muốn nói rằng chuyện kể không màu nhiệm đến vậy. Nên có ba điều -- bởi vì lúc nào cũng là số ba -- ba lý do vì sao tôi nghĩ rằng chuyện kể không nhất thiết phải khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đầu tiên, chuyện kể có thể tạo ra ảo giác của tình đoàn kết. Chẳng có gì giống như cảm giác tốt đẹp mà bạn có từ việc nghe câu chuyện thần kỳ nơi mà bạn cảm thấy mình có thể trèo đèo lội suối, hoặc bạn thấy có thể làm bạn với một tử tù nào đó. Nhưng bạn không hề làm điều đó. Bạn chẳng làm gì hết. Lắng nghe là quan trọng nhưng nó không đủ khiến bạn hành động vì xã hội. Thứ hai, tôi thường nghĩ chúng ta hay hướng về những nhân vật và vai chính những người đáng yêu và nhân ái. Và điều này hợp lý, đúng không? Vì khi bạn thích ai, bạn sẽ để ý họ. Nhưng ngược lại cũng vậy. Nếu bạn không ưa ai, bạn chả thèm ngó họ nữa. Và nếu bạn không quan tâm họ, bạn không phải thấy bản thân có nghĩa vụ đạo đức phải nghĩ về những hoàn cảnh định hình cuộc sống của họ. Tôi học được bài học này vào năm 14 tuổi. Tôi nhận ra rằng thật sự, bạn không phải thích ai đó để nhận ra trí khôn của họ, và bạn chắc chắn không phải thích ai đó để phải đứng cùng phe với họ. Nên khi xe đạp của tôi bị cướp khi tôi đang lái nó -- (Cười) đó là điều khả dĩ nếu bạn lái đủ chậm, như tôi đã làm. (Cười) Chuyện là trong một phút khi tôi đang băng qua sân trong khu Nairobi nơi tôi lớn lên, và đó là một quãng đường gập ghềnh, và khi bạn đang lái xe đạp, bạn không muốn vậy, bạn biết đấy -- (Cười) Và tôi đã làm thế, đạp bàn đạp chậm rãi, và bất thình lình, tôi ngã xuống đường. tôi nằm trên đất, và nhìn lên, và có một đứa nhóc đang bỏ chạy trên chiếc xe đạp của tôi, và nhóc đó khoảng 11 hay 12 tuổi, mà tôi là đứa đo sàn, và tôi khóc to vì đã dành dụm quá trời cho chiếc xe, và tôi cứ khóc lớn, rồi đứng lên, và bắt đầu la hét. Theo bản năng, tôi la lớn, "Mwizi, mwizi!" nghĩa là "cướp" trong tiếng Swahili. Và từ các khu nhà gỗ, tất thảy mọi người ùa ra và bắt đầu đuổi theo. Đó là châu Phi, công lý thực thi bằng hành động. Đúng chứ? Và tôi ở gần đó, thấy họ bao vây thằng nhóc, và họ bắt được nó. Khi nghi phạm bị bắt giữ, thắng bé bị ép trả xe cho tôi, và phải xin lỗi. Lại là một cách xử lý công bằng kiểu Phi đúng không? Và họ đã bắt nhóc đó xin lỗi. Tôi và nó đứng nhìn mặt nhau, và nó nhìn vào tôi, nói xin lỗi, nhưng nó nhìn tôi, với một cơn giận không thèm giấu. Nó giận, rất giận. Và đó là lần đầu tiên tôi đối chất với ai đó người mà không ưa tôi đơn giản vì cái mà tôi đại diện. Nó nhìn tôi với cái nhìn hàm ý, "Mày, với da dẻ sáng bóng và có xe đạp mà đi giận dữ với tao?" Nên đó là bài học khó khăn nhận ra rằng nó không ưa tôi, nhưng bạn biết không, nó đã đúng. Tôi là một đứa trẻ trung lưu sống ở một miền quê nghèo. Tôi có xe đạp, còn nó hiếm khi có đồ ăn. Đôi khi, đó là thông điệp mà ta không muốn nghe, những điều mà làm ta muốn thoát ra khỏi bản thân, điều mà ta cần nghe nhất. Đối với mỗi người kể chuyện đáng yêu đã đánh cắp con tim bạn, thì lại có hơn đó hàng trăm người nói năng líu ríu và rời rạc, những người không được đứng trên sân khấu và ăn mặc đàng hoàng như thế này. Có hàng triệu câu chuyện về cậu-bé-trộm-xe-tức-giận và ta không thể lờ đi đơn giản vì ta không ưa các nhân vật chính trong đó hay là vì đó không phải là đứa nhóc mà ta muốn đem về nhà nuôi từ trại mồ côi. Lí do thứ ba khiến tôi nghĩ rằng chuyện kể không nhất thiết khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn là chúng ta thường quá đầu tư vào hình thức kể chuyện cá nhân mà quên đi bức tranh toàn cảnh. Và khi ta tán thưởng ai đó khi họ kể ta nghe về cảm giác xấu hổ của họ, nhưng ta không nhất thiết phải liên hệ tới sự áp bức đó. Ta gật gù thấu hiểu khi ai đó nói họ cảm thấy bé nhỏ, nhưng ta không liên hệ nó với sự kỳ thị. Những câu chuyện quan trọng nhất, nhất là vì công lý xã hội, là những gì có thể làm cả hai việc, rằng nó vừa cá nhân và vừa cho phép ta khám phá và hiểu chính trị. Nhưng nó không chỉ là về chuyện ta thích đối với chuyện mà ta chọn lờ đi. Càng ngày ta đang sống trong một xã hội nơi các thế lực lớn hơn có ảnh hướng lớn, nhiều người thực sự bắt đầu lấy chuyện kể thay thế tin tức. Đúng chứ? Ta sống trong thời đại chứng kiến sự chối bỏ sự thật, khi mà cảm xúc thắng thế và được dùng để phân tích, khá là chán, đúng không? Nơi mà ta coi trọng cái ta cảm thấy hơn cái ta thật sự biết. Một báo cáo gần đây của The Pew Center về xu hướng ở Mỹ chỉ ra rằng chỉ có 10% thanh niên dưới 30 "đặt nhiều niềm tin vào truyền thông". Giờ nó đã rõ ràng. Nghĩa là người kể đang giành lấy niềm tin ngay chính cái lúc mà phần lớn truyền thông đang đánh mất dần niềm tin công chúng. Đó không phải điều tốt, vì khi chuyện kể trở nên quan trọng và chúng giúp ta có cái nhìn đa chiều, chúng ta cần truyền thông. Từ những năm làm nhà hoạt động công lý xã hội, tôi biết rất rõ rằng ta cần những sự thật đáng tin từ các tổ chức truyền thông kết hợp với quyền năng mạnh mẽ từ tiếng nói của những người kể chuyện. Đó là hướng đi đúng đắn hướng tới công lý xã hội. Trong phân tích cuối cùng, dĩ nhiên, chính công lý là thứ giúp thế giới trở nên tốt hơn, chứ không phải chuyện kể. Phải không? Và nếu chúng ta đi theo công lý, thì tôi nghĩ ta không cần tập trung vào truyền thông hay người kể chuyện. Ta phải tập trung vào khán giả, vào bất cứ ai từng bật radio lên hay nghe một podcast, và đó chính là tất cả chúng ta. Vài suy nghĩ đúc kết là về việc mà khán giả có thể làm để khiến thế giới trở nên tốt hơn. Đầu tiên, thế giới sẽ tốt đẹp lên, tôi nghĩ thế, nếu khán giả tò mò và hoài nghi hơn và hỏi nhiều hơn về bối cảnh xã hội, điều đã tạo ra những câu chuyện họ vô cùng yêu thích. Thứ hai, thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu khán giả nhận ra rằng kể chuyện là lao động trí óc. Và tôi nghĩ nó quan trọng hơn cho khán giả khi có nhiều nút hơn trên các trang web họ yêu thích, nút mà ví dụ có chức năng là, "Nếu bạn thích chuyện này, bấm vào đây để ủng hộ một mục đích mà người kể chuyện của bạn tin tưởng vào." Hay "bấm đây để góp ý tưởng lớn tiếp theo cho người kể chuyện của bạn". Thường thì ta cam kết với các nền tảng, nhưng không nhất thiết với chính người kể. Và cuối cùng, tôi nghĩ khán giả có thể giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng cách tắt điện thoại đi, bước xa ra khỏi màn hình, đi vào thế giới thực, ra ngoài vùng an toàn. Alice Walker từng nói, "Nhìn kĩ vào hiện tại bạn đang tạo dựng. Nó nên trông giống tương lai mà bạn mơ ước." Chuyện kể có thể giúp ta ước mơ, nhưng tất cả là phụ thuộc vào ta tự lập ra kế hoạch cho công lý. Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)