Con chữ là thứ mà chúng ta vẫn hay sử dụng với số lượng khổng lồ. Cả thế giới đều biết, phông chữ là thứ không thể thiếu. Nhưng có mấy ai bận tâm tìm hiểu rằng các kiểu chữ đã bắt nguồn từ đâu, từ khi nào, hay ai đã tạo nên chúng - trong trường hợp đúng là bàn tay con người chứ không phải máy móc hoặc phần mềm máy tính mới là cái nôi phát minh ra phông chữ. Nhưng bản thân tôi luôn canh cánh mối bận tâm này. Nó là việc tôi phải làm. Tôi là một trong số rất ít những người không khỏi thấy bực mình bởi cái khoảng cách rất khó chấp nhận giữa chữ T và E như quý vị đang thấy trên đây. Chắc tôi sẽ gỡ cái hình này đi Không ai chấp nhận được nó, kể cả Đức Chúa. Có thế chứ. Tốt rồi. Câu chuyện tôi mang đến đây hôm nay, là về mối quan hệ giữa công nghệ và thiết kế phông chữ. Công nghệ đang dần thay đổi vô số lần kể từ ngày tôi bắt đầu công việc: ảnh, kỹ thuật số, máy tính bàn. màn hình, mạng toàn cầu. Tôi phải tự thích ứng với điều đó bằng cách liên hệ chúng với công việc tôi đang làm vì ngành thiết kế. Mục tiếp theo đây là về ảnh hưởng của công cụ tới phom dáng. Hai chữ K, Cái bên trái của bạn - bên phải của tôi - là kiểu hiện đại, được đồ họa trên máy tính. Những nét thẳng đều là thẳng tuyệt đối. Còn nét vòng cung thì đạt tới mức hoản hảo trong toán học mà phương trình Bézier có thể vẽ ra được. Chữ còn lại mang hơi hướng Gothic cổ đại được cắt bằng tay trên vật liệu bằng thép rất bền. Không có đường thẳng nào thật sự thẳng. Còn đường cong thì không thật sự rõ ràng. Nó có dấu vết của cuộc sống được làm nên bởi bàn tay con người, một cuộc sống mà máy móc hay lập trình không thể nào chạm tới được. Một sự đối lập mới sâu sắc làm sao. Mà thật ra, tôi đang nói dối thôi. Nói dối ở TED. Thật xin lỗi quý vị. Cả hai thật ra đều là sản phẩm của máy tính, cùng 1 phần mềm, 1 đường cong Bézier, cùng 1 định dạng phông chữ. Chữ bên trái là của Zuzana Licko ở Emigre. Chữ còn lại là của tôi. Cách thức thì giống nhau, nhưng nét chữ thì hoàn toàn khác biệt. Mà chữ khác biệt là bởi vì nhà thiết kế khác nhau. Lý do chỉ đơn giản vậy thôi. Zuzana muốn chữ cô trông thế này. Tôi thì lại muốn chữ mình giống thế kia. Chấm hết. Chữ cái rất dễ tự thích nghi. Khác với đồ mỹ nghệ như điêu khắc hay kiến trúc, Chữ cái không cho thấy cách làm ra chúng. Tôi thấy bản thân giống như một nhà thiết kế công nghiệp. Họ chế tạo cái tôi thiết kế ra, và cái đó có chức năng riêng: để được đọc, để chứa đựng ý nghĩa. Thậm chí, nhiều hơn thế, Chúng còn mang yếu tố thẩm mỹ nữa. Điều gì làm 2 chữ cái này khác đi dưới cách truyền đạt khác nhau của 2 nhà thiết kế khác nhau? Điều gì đã khiến thiết kế của một số người mang chút phong cách cá nhân đặc trưng, như bạn có thể bắt gặp trong thiết kế thời trang, hay thiết kế xe hơi, vân vân? Tôi công nhận trong 1 số trường hợp, nhà thiết kế cảm nhận được tầm ảnh hưởng của công nghệ. Từ giai đoạn giữa những năm 60, họ dùng ảnh thay cho khuôn đúc chữ kim loại, nóng (do nung kim loại) thành lạnh. Thay đổi mang lại lợi ích nhưng cũng đem đến một hạn chế: một hệ thống cách dòng chỉ cho phép đúng 18 đơn vị cho mỗi một chữ cái. Lần này tôi được yêu cầu thiết kế một loạt phông chữ không chân một cách cô đọng nhất càng nhiều phiên bản chữ càng tốt chỉ trong một ô chữ gồm 18 đơn vị. Nhìn vào những con số, tôi nhanh chóng nhận ra chỉ có thể tạo ra 3 loại chữ phù hợp. Như quý vị có thể thấy đây. Ba phông chữ Helvetica Compressed, Extra Compressed, và Ultra Compressed thật sự là một vấn đề đối với tôi bởi hệ thống 18 đơn vị chặt chẽ. Nó như thể quyết định tỷ lệ cân xứng của thiết kế vậy. Đây là ba phông chữ vừa rồi dưới dạng thường (không in hoa). Liệu quý vị có đang nhìn và tự nhủ, "Khổ thân Matthew, cái vấn đề ông gặp phải, giờ đã cho ra kết quả là ba thiết kế tồi tệ." Tôi hi vọng là không. Cũng công việc này, nhưng thời nay, thay vì 18 đơn vị, chúng ta có tới 1,000. Tôi rõ ràng có thể làm ra nhiều biến thể hơn, nhưng liệu có khiến ba phông chữ này trở nên đẹp hơn? Thật khó để trả lời nếu chưa thử, nhưng tôi chắc chắn 1,000 đơn vị cho ra tỷ lệ cân xứng chuẩn xác hơn. Trực giác của tôi cho thấy rằng bất kỳ sự cải thiện nào cũng nên vừa phải, bởi phông chữ được thiết kế như một chức năng của hệ thống, và như tôi đã nói, chúng rất dễ thích ứng. Chúng không cho thấy cách thức tạo ra chúng. Tất cả kỹ sư công nghiệp phải làm việc trong khuôn khổ. Bởi đây không phải là thủ công mỹ nghệ. Nhưng câu hỏi là, liệu những khuôn khổ có đang dẫn tới sự thỏa hiệp? Nếu chấp nhận các khuôn khổ, thì có làm cho tiêu chuẩn làm việc thấp đi không? Tôi nghĩ là không, và tôi luôn tâm đắc một điều Charles Eames từng nói. Ông nói ông chỉ ý thức được các khuôn khổ, chứ không mảy may ý thức tới chuyện thỏa hiệp với chúng. Khác biệt giữa các khuôn khổ, hạn chế, với một sự thỏa hiệp, rõ ràng là rất mong manh, nhưng lại là yếu tố quyết định thái độ của tôi với công việc. Quý vị có nhớ cảm giác khi đọc thứ này? Một cuốn dang bạ điện thoại. Tôi sẽ giữ hình này ở đây một lúc để quý vị được tự do hoài niệm. Đây là giữa những năm 70, khi người ta mới thử nghiệm phông chữ Bell Centennial tôi thiết kế trên danh dạ điện thoại ở Mỹ, và cũng là lần đầu tiên tôi thiết kế phông chữ dưới dạng số hóa, cứ như là đi rửa tội lần đầu tiên vậy. Thiết kế cho danh bạ điện thoại - thứ mà sẽ được in ra dưới kích thước chữ cực nhỏ trên giấy báo, bởi một máy in có tốc độ quay cực nhanh, với một loại mực vừa dầu vừa bụi. Đây rõ ràng không phải là một môi trường làm việc tốt cho lắm đối với một người thiết kế phông chữ. Thử thách dành cho tôi là thiết kế ra một phông đẹp hết sức có thể trong điều kiện sản xuất bất lợi như trên. Lúc này, khi đang ở thời kỳ đầu của phông chữ số hóa, tôi đã phải vẽ các ký tự bằng tay trên từng ô ly giấy vẽ. Bell Centennial có tới 4 kiểu đậm nhạt, tôi phải vẽ và mã hóa từng li từng tí để đảm bảo chúng tương thích với ký tự trên bàn phím. Hai năm trời bỏ ra để hoàn thành công việc này đã dạy tôi nhiều điều. Dù những con chữ này trông như bị gặm nham nhở, nhưng thật ra những đường mấp mô giữa đường giao nhau của các nét chính là kết quả từ nghiên cứu của tôi về độ nhòe của mực in trên giấy kém chất lượng, bên cạnh việc chính sửa liên lục các phông chữ cho hợp lý. Phông chữ kỳ cục vừa rồi chính là để bù đắp cho những thiếu sót trong quy mô và quá trình sản xuất. Ban đầu, AT&T đã mong muốn dùng phông chữ Helvetica cho danh bạ điện thoại, nhưng như Erik Spiekermann đã nói trong bộ phim Helvetica, nếu như bạn từng xem qua, phông chữ Helvetica được thiết kế sao cho các chữ cái giống nhau hết sức có thể. Điều đó khiến việc đọc các chữ cỡ nhỏ không dễ chút nào, dù chúng trông rất thanh thoát trên màn chiếu. Tôi đã phải đơn giản hóa hình dáng của con phông chữ Bell Centennial càng nhiều càng tốt bằng cách mở rộng chúng ra, như bạn thấy ở hình phía dưới. Sang tới giữa những năm 80, thời kỳ đầu của phông chữ phác thảo bằng kỹ thuật số, công nghệ véc-tơ. Ngày đó, kích thước của phông chữ trở thành một vấn đề, đó là lượng dữ liệu cần thiết để tìm kiếm và lưu trữ phông trong bộ nhớ máy tính. Do đó, số phông chữ bạn được lưu vào hệ thống soạn thảo trong cùng một lúc là rất giới hạn. Tôi đã phân tích các dữ liệu, và phát hiện ra rằng phông chữ có chân thông thường như hình bên tay trái đây cần gần gấp đôi dữ liệu so với phông không chân như hình ở giữa. Lý do chính là bởi những đường cong, muốn chúng trở nên cong vút thanh tao, ta phải dùng rất nhiều điểm ảnh. Các con số ở dưới cùng tấm hình này, cho thấy số lượng dữ liệu cần dùng để lưu trữ mỗi phông chữ. Vậy thì phông chữ không chân, như ở giữa, sẽ ít tốn kém hơn nhiều, chỉ còn 81 thay vì 151. "Ồ" tôi nghĩ. "Có vấn đề cho nhóm kỹ sư rồi đây. Tôi phải giúp họ một tay mới được." Thế là tôi tạo ra phông chữ bên tay phải đây, những nét lượn tròn biến mất. Thay vào đó là một đa giác, gồm những nét thẳng và cạnh vát. Bạn thấy đó, giải pháp này cũng ít tốn kém như kiểu chữ không chân. Chúng tôi gọi nó là phông chữ Charter. Rồi sau đó tôi tới gặp kỹ sư trưởng dựa trên các số liệu có được, tôi tự hào nói với họ "Vấn đề của ông đã được tôi giải quyết." "Ồ," ông ấy nói. "Vấn đề nào thế?" Tôi trả lời, "Thì, ông biết đấy, vấn đề về lượng dữ liệu không lồ mà phông chữ có chân đòi hỏi." "Ô," ông ấy nói. "Chúng tôi đã giải quyết nó từ tuần trước rồi. Chúng tôi đã viết một chương trình để nén kích cỡ phông chữ dựa theo thứ tự độ lớn. Giờ thì ông có thể giữ bao nhiêu phông trong hệ thống cũng được." "Vậy cám ơn vì đã cho tôi biết," tôi nói. Lại một thất bại nữa. Tôi đã tìm cách giải một vấn đề kỹ thuật mà thậm chí còn chẳng hề tồn tại. Nhưng đây cũng là lúc mọi chuyện trở nên thú vị. Tôi không bỏ cái thiết kế kia đi trong lúc đang tức giận. Tôi giữ nó lại. Từ một bản thảo mang tính công nghệ, nó trở thành một sản phẩm đầy tính thẩm mỹ. Nói cách khác, tôi bắt đầu thích cái phông chữ này. Mặc kệ việc nó bắt đầu từ đâu hay vì sao. Tôi chỉ đơn giản là thích thú chính bản thân nó. Diện mạo đơn giản khiến cho phông chữ Charter toát lên sự đỉnh cao về chất lượng và nét thanh thoát rất mộc mac. Điều đó khiến tôi phần nào hài lòng. Quý vị biết đấy, thời điểm công nghệ đăng cách tân, nhà thiết kế muốn được thả hồn bay bổng giữa trời mây. Họ muốn đáp lại, muốn có động lực để vượt qua giới hạn và khám phá những điều mới mẻ. Tôi coi phông chữ Charter như một bài học quý. Vì thực chất, cuối cùng, sự ra đời của phông Charter chẳng phải là tại công nghệ. Tôi đã hiểu sai về công nghệ. Công nghệ đã truyền chút cảm hứng cho tôi, nhưng không hề ép tôi phải làm. Tôi nghĩ điều này vẫn hay xáy ra. Bạn biết đấy, các kỹ sư rất thông minh, và mặc dù họ thường phải gắt lên vì sự kém thông minh của tôi, tôi vẫn rất thích làm việc với họ và học hỏi từ họ. Vào đúng thời điểm, khoảng giữa những năm 90, tôi bắt đầu nói chuyện với Microsoft về phông chữ trên màn hình. Thời đó, tất cả phông trên màn hình đều được cải biên từ những phông chữ in đã có sẵn từ trước.. Nhưng Microsoft đã nhận thức một cách đúng đắn về sự chuyển mình nhanh chóng hướng về ngành truyền thông điện tử, khi việc đọc và viết diễn ra trên màn hình khiến cho văn bản in trên giấy trở nên ít quan trọng hơn. Vì thế, họ chỉ cần ưu tiên cái thứ quan trọng nhất. Họ muốn một số lượng nhỏ phông chữ thay vì được cải biên lại, chúng được thiết kế riêng cho màn hình, chúng phải dần được cải thiện qua các vấn đề thường gặp như là độ phân giải còn thô sơ của màn hình máy tính. Tôi nói với Microsoft rằng, một phông chữ được thiết kế riêng cho một sản phẩm công nghệ, sẽ tự bị loại bỏ. Trước kia, tôi đã làm quá nhiều phông chữ mà ban đầu dự định được dùng để xoa dịu các vấn đề kỹ thuật. Nhưng nhờ có các kỹ sư, các vấn đề đó không còn nữa. Phông chữ tôi định làm cũng không tồn tại luôn. Những vấn đề đó chỉ là nhất thời thôi. Nhưng Microsoft quay lại và nói, màn hình máy tính có giá vừa phải và độ phân giải cao sẽ chẳng xuất hiện trong ít nhất một thập kỷ nữa. Vì thế tôi nghĩ, một thập kỷ cơ đấy, đây không còn là vấn đề tạm thời nữa rồi. Và thế là tôi bị thuyết phục hoàn toàn, và bắt tay vào làm những phông chữ mà sau này chính là phông Verdana và Georgia. Đây cúng là lần đầu tiên tôi làm việc không dùng tới giấy, mà trực tiếp bằng điểm ảnh trên màn hình. Thời đó, khi mà màn hình máy tính vẫn còn ở hệ nhị phân, các điểm ảnh chỉ có thể hiện hoặc ẩn. Trên đây là phác thảo của chữ H viết hoa, bao gồm các đường thẳng mảnh màu đen viền quanh chữ, chúng có nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu. Các đường thẳng chồng lên nhau ở trong vùng màu xám thì cho thấy cách con chữ hiển thị trên màn hình. Từ bản phác thảo này, chữ sẽ được làm cho tương thích với màn hình. Bởi chữ H hoa chỉ bao gồm các đường thẳng, nó sẽ tương thích hoàn hảo với màn hình dựa theo hệ tọa độ Cartesian. Chữ O thì không thể. Trông nó có thể giống đống gạch hơn là một bản thiết kế, nhưng tin tôi đi, đây là một chữ O khá đẹp đơn giản là vì nó đối xứng qua trục x và y. Đối với những hình ảnh ở hệ nhị phân, tôi không trông mong gì hơn thế. Thường thi tôi hay tạo ra khoảng 3, 4 phiên bản của các chữ cái khó vẽ chẳng hạn như chữ A thường, rồi xem xét để chọn ra cái nào tốt nhất. Thật ra thì, chẳng có cái nào là tốt nhất, mà nhà thiết kế như tôi chỉ cố gắng quyết định xem cái nào đỡ tệ nhất. Liệu đó có phải là một sự thỏa hiệp không? Tôi nghĩ là không, vì tôi luôn cố đạt tới tiêu chuẩn tốt nhất mà công nghệ cho phép, dù những tiêu chuẩn đó vẫn chữ phải tuyệt đối hoàn hảo. Quý vị có thể thấy trên hình hai loại phông chữ khác nhau. Theo tôi, chữ "a" ở hình phía trên, dù trông đẹp hơn hình phía dưới, thì vẫn chưa thể gọi là tuyệt vời, Quý vị có thể sẽ thấy điều này rõ hơn nếu chúng được thu nhỏ lại một chút - hoặc có thể không. Thế đấy, tôi giống một người theo chủ nghĩa thực tế hơn là chủ nghĩa hoàn hảo. Mỗi kiểu tính cách trên lại có cái nhìn khác nhau về sự thỏa mãn khi làm những thứ dù không thể hoàn hảo nhưng có thể được hoàn thành bằng hết khả năng của bản thân. Đây là chữ H thường ở phông Georgia nghiêng. Nó trông thô và không đều. Đúng vậy, nó thật sự không đẹp chút nào Nhưng tôi đã khá phá ra từ các thí nghiệm, rằng có một độ nghiêng tuyệt đối cho các phông chữ nghiêng trên màn hình, bởi vậy các nét chứ vỡ ra tại đường biên của các điểm ảnh. Nhìn vào ví dụ này, ta thấy được cách mà phần chân bên trái và phải của chữ bị tách ra theo một tỉ lệ bằng nhau. Điều đó thật tuyệt vời biết mấy. Và đương nhiên rồi, với các con chữ như thế này, thì không có nhiều sự lựa chọn. Nhân tiện, đây là chữ S, trong trường hợp quý vị đang thắc mắc. Và, đã 18 năm kể từ ngày phông Verdana và Georgia ra đời. Microsoft đã hoàn toàn đúng về việc họ mất tới 10 năm. Giờ đây màn hình hiển thị đã được cải thiện về độ phân giải không gian, còn độ phân giải quang thì có một bước tiến vượt bậc nhờ vào kỹ thuật khử răng cưa tạo ra đường thằng trơn mượt. Giờ đây, việc các mục tiêu đã được hoàn thành, có đồng nghĩa với sự biến mất của những phông chữ tôi đã thiết kế cho màn hình còn thô sơ trước kia? Liệu chúng có sống sót sau khi những màn hình cũ đã trở nên lỗi thời và khi đợt lũ những phông chữ mới đang tràn vào thị trường? Hay chúng sẽ tự xây dựng nên cái gọi là một nhánh tiến hóa riêng mặc cho sự phát triển của công nghệ? Hay nói cách khác, liệu chúng có được chào đón vào hệ thống phông chữ ngày nay không? Tôi không chắc về câu trả lời, nhưng có vẻ chúng đã và đang làm tốt. Mà này, 18 năm tồn tại là không hề tệ chút nào, nhất là với tốc độ phát triển ngày nay. Thế nên, tôi chẳng hề than phiền gì cả. Xin cám ơn. (Tiếng vỗ tay)