Tôi đã trải qua cuộc đảo chính đầu tiên ở tuổi lên 4. Vì nó, gia đình tôi đã phải rời quê cha đất mẹ Ghana và chuyển tới Gambia. Ngẫu nhiên thay, 6 tháng sau đó, tại đây cũng có một cuộc đảo chính quân sự. Tôi nhớ như in bị đánh thức vào giữa đêm, thu gom một số đồ đạc và đi bộ khoảng 2 tiếng để tới một ngôi nhà an toàn. Trong một tuần, chúng tôi ngủ dưới gầm giường vì lo rằng những viên đạn có thể lọt qua cửa sổ. Sau đó, ở tuổi lên 8, chúng tôi chuyển tới Botswana. Thời gian này, thật khác biệt. Không có đảo chính. Mọi thứ trôi chảy. Giáo dục tuyệt vời. Cơ sở vật chất tốt, thậm chí vào thời điểm đó họ có cả hệ thống điện thoại cáp quang, từ rất lâu trước khi nó tới các nước phương Tây. Chỉ có một thứ họ không có đó là đài truyền hình quốc gia của riêng mình, và do đó, tôi nhớ mình xem TV từ nước láng giềng Nam Phi, và xem Nelson Mandela ở trong tù được đề nghị một cơ hội được phóng thích nếu ông ấy từ bỏ đấu tranh phân biệt chủng tộc. Ông đã từ chối làm điều đó cho đến khi đạt được mục tiêu giải phóng Nam Phi khỏi nạn phân biệt chủng tộc. Tôi nhớ cái cảm giác làm thế nào một nhà lãnh đạo tốt có thể tạo nên sự khác biệt lớn ở Châu Phi. Khi tôi 12 tuổi, gia đình tôi đã gửi tôi đến trường trung học ở Zimbabwe. Ban đầu, điều này quá là tuyệt vời: nền kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng tuyệt vời, và dường như nó là một mô hình phát triển kinh tế ở Châu Phi. Tôi tốt nghiệp trung học ở Zimbabwe và đi học đại học. Sáu năm sau, tôi trở lại đất nước này. Mọi thứ đã thay đổi. Nó bị xẻ thành từng mảnh. Hàng triệu người di cư, nền kinh tế rối ren, và 30 năm phát triển dường như bị xoá sổ. Làm thế nào một đất nước lại tồi tệ đi nhanh đến vậy? Hầu như mọi người đều đồng ý rằng đó là do sự lãnh đạo. Tổng thống Robert Mugabe, là người chịu trách nhiệm chính cho việc phá huỷ đất nước này. Tất cả những trải nghiệm ở các vùng khác nhau ở Châu Phi. đã mang đến cho tôi hai điều. Đầu tiên, nó làm tôi yêu say đắm châu Phi. Mọi nơi tôi đến, Tôi đã trải nghiệm vẻ đẹp tuyệt vời của châu lục này và đã nhìn thấy sự kiên cường và tinh thần của người dân, cùng lúc, tôi nhận ra mình muốn hiến dâng cả đời để làm cho châu lục này trở nên tuyệt vời hơn. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng để làm nó tốt đẹp hơn, cần giải quyết vấn đề về lãnh đạo. Các bạn thấy đấy, ở các quốc gia mà tôi đã sống, đảo chính tham nhũng tôi đã thấy ở Ghana và Gambia và ở Zimbabwe, đối lập với những ví dụ đẹp đẽ mà tôi đã nhìn thấy vì sự lãnh đạo giỏi ở Botswana và ở Nam Phi. Điều đó làm tôi nhận ra châu Phi sẽ đi lên hay đi xuống là do chất lượng của những người lãnh đạo. Bây giờ, ta có thể nghĩ rằng, tất nhiên, lãnh đạo là quan trọng ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu có một điều mà bạn rút ra từ bài nói của tôi hôm nay, đó là: Ở châu Phi, hơn hết các nơi khác trên thế giới, sự khác biệt mà một nhà lãnh đạo giỏi có thể tạo ra sẽ vĩ đại hơn bất cứ nơi nào khác, và đây là lý do tại sao. Đó là vì ở châu Phi, chúng tôi có các tổ chức yếu kém, như bộ máy tư pháp, hiến pháp, xã hội dân sự và vv. Bởi vậy, tôi tin tưởng vào một quy luật chung: Khi xã hội có các cơ quan tổ chức mạnh, thì sự khác biệt mà một lãnh đạo giỏi có thể làm sẽ bị giới hạn nhưng khi tổ chức yếu kém, thì chỉ một nhà lãnh đạo tốt có thể tạo lập hoặc thay đổi đất nước đó. Hãy để tôi giải thích cụ thể hơn. Bạn trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Bạn nghĩ: "Wow, thành công rồi. Tôi là người quyền lực nhất thế giới." Vì vậy, bạn quyết định thông qua một đạo luật. Đột nhiên, Quốc hội vỗ vào vai bạn và nói: "Không, không, ngài không thể làm thế." Bạn đáp: " Hãy để tôi thử cách này xem sao." Thượng Nghị Viện góp lời: "Chúng tôi không nghĩ ngài có thể làm thế." "Hãy để tôi in thêm một số tiền. Tôi nghĩ nền kinh tế cần đòn bẩy.", bạn nói. Thống đốc ngân hàng trung ương nghĩ bạn bị điên. Bạn có thể bị buộc tội vì điều đó. Nhưng nếu trở thành tổng thống của Zimbabwe, và bạn nói: " Anh biết không, tôi thực sự thích công việc này. Tôi nghĩ tôi muốn làm nó suốt đời." (Cười) Vâng, bạn có thể. Bạn quyết định in thêm tiền. Bạn nói với thống đốc ngân hàng trung ương: "Hãy tăng gấp đôi tiền in ra" " Được, vâng, thưa ngài, có điều gì khác tôi có thể làm cho ngài không?" Đây là quyền lực mà các nhà lãnh đạo châu Phi có, và đó là lý do tại sao họ tạo được mọi sự thay đổi trên châu lục này. Tin mừng là chất lượng lãnh đạo ở châu Phi đã được cải thiện. Chúng tôi đã có 3 thế hệ lãnh đạo, theo như tôi nghĩ. Thế hệ thứ nhất là những người xuất hiện ở thập niên 50, 60. Như Kwame Nkrumah của Ghana và Julius Nyerere ở Tanzania. Di sản họ để lại là sự độc lập cho châu Phi. Họ giải phóng chúng tôi khỏi chủ nghĩa thực dân, và hãy trao cho họ sự vẻ vang vì điều đó. Họ được tiếp nối bởi thế hệ thứ 2. Những người đã không mang lại gì ngoại trừ việc tàn phá châu Phi. Họ chỉ nghĩ đến chiến tranh, tham nhũng, lạm dụng quyền con người. Khuôn mẫu điển hình của một nhà lãnh đạo châu Phi mà ta thường nghĩ đến: Mobutu Sese Seko ở Zaire, Sani Abacha ở Nigeria. Tin tốt là hầu hết những nhà lãnh đạo này đều đã không còn, họ bị thay thế bởi thế hệ thứ ba. Những người như Nelson Madela hay hầu hết các nhà lãnh đạo ở châu Phi ngày nay như Paul Kagame... Các nhà lãnh đạo này chưa phải là hoàn hảo nhưng họ đã làm tốt một điều, đó là dọn dep phần lớn trình trạng hỗn độn từ thế hệ thứ hai. Họ dừng các cuộc chiến, và tôi gọi họ là thế hệ ổn định. Họ có nhiều trách nhiệm hơn với dân mình, họ cải thiện chính sách kinh tế vĩ mô, và chúng ta lần đầu tiên thấy châu Phi phát triển, và là khu vực phát triển kinh tế nhanh thứ hai thế giới. Chưa phải là hoàn hảo nhưng họ đã làm được những điều lớn lao, những nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất trong 50 năm qua. Vậy, sau này thì sao? Tôi tin rằng thế hệ tiếp theo tiếp nối thế hệ này, thế hệ thứ tư, sẽ có một cơ hội khác để thay đổi châu lục. Đặc biệt, họ có thể làm hai thứ mà các thế hệ đi trước đã không làm. Điều đầu tiên họ cần làm là tạo lập sự thịnh vượng cho châu lục. Tại sao sự thịnh vượng lại quan trọng? Bởi không ai ở các thế hệ trước có khả năng giải quyết vấn đề về đói nghèo. Châu Phi ngày nay phát triển dân số nhanh nhất trên thế giới, nhưng cũng là những người nghèo khổ nhất. Đến năm 2030, châu Phi sẽ có nguồn nhân lực lớn hơn cả Trung Quốc, và đến năm 2050, nguồn nhân lực lớn nhất thế giới. Một tỷ người sẽ cần việc làm ở châu Phi, bởi vậy nếu không phát triển kinh tế đủ nhanh, chúng ta sẽ ngồi trên một quả bom hẹn giờ, không chỉ cho châu Phi mà cho toàn thế giới. Tôi sẽ cho các bạn một ví dụ về một người đang sống dựa vào di sản để tạo ra sự phồn vinh: Laetitia Laetitia là một phụ nữ trẻ ở Kenya đã phải bỏ học khi 13 tuổi vì gia đình không đủ khả năng chi trả học phí. Vì vậy, cô ấy bắt đầu tự kinh doanh thỏ, một món ngon địa phương tại Kenya, quê hương cô. Công việc kinh doanh rất tốt trong vòng một năm, cô ấy đã thuê 15 phụ nữ và có khả năng tạo ra đủ thu nhập để tiếp tục đến trường, và qua những phụ nữ này giúp 65 trẻ em khác đến trường. Lợi nhuận mà cô ấy tạo ra, được sử dụng để xây trường học, và hiện tại, cô đang dạy cho 400 trẻ em trong cộng đồng của mình. Và cô ấy mới chỉ bước sang tuổi 18. (Vỗ tay) Một ví dụ khác là Erick Rajaonary. Erick đến từ một hòn đảo thuộc Madagascar. Erick đã nhận ra rằng nông nghiệp là chìa khoá để tạo việc làm trong các khu vực nông thôn ở Madagascar, anh cũng nhận ra phân bón quá đắt đỏ với hầu hết nông dân ở đây. Madagascar có những con dơi rất đặc biệt có thể cung cấp phân có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Vào năm 2006, Erick bỏ việc kế toán và mở một công ty sản xuất phân bón từ phân dơi. Hiện nay, Erick đã xây dựng doanh nghiệp tạo ra hàng triệu đô la doanh thu, và anh ấy đã thuê 70 người làm việc toàn thời gian và 800 người khác vào mùa dơi thả phân nhiều nhất. Điều mà tôi thích từ câu chuyện này là nó chỉ ra rằng cơ hội tạo ra sự phồn vinh có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Erick được biết đến như là Người Dơi (Cười) Và ai có thể nghĩ rằng có thể tạo lập một doanh nghiệp hàng triệu đô la thuê rất nhiều người lại chỉ bắt đầu bằng phân dơi? Điều thứ hai mà thế hệ này cần làm là tạo nên các cơ quan tổ chức. Họ cần xây dựng những tổ chức mà chúng ta không cần phải đút lót nữa, bởi một vài cá nhân như Robert Mugabe. Hiện tại, mọi thứ có vẻ tốt đẹp, nhưng thế hệ thứ tư này sẽ đến từ đâu? Liệu ta chỉ ngồi và hi vọng rằng họ sẽ xuất hiện bởi may mắn hay vì Chúa đưa họ đến? Tôi không nghĩ thế. Đó là một vấn đề quan trọng, để chúng ta cho nó một cơ hội. Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần tạo lập các cơ quan tổ chức châu Phi, sản xuất trong nước , phát hiện và phát triển những nhà lãnh đạo này một cách thiết thực và có hệ thống. Chúng tôi đang làm điều này suốt 10 năm qua với Học viện Lãnh đạo Châu Phi. Laetitia là một trong những lãnh đạo trẻ của chúng tôi. Ngày nay, chúng tôi có 700 người như thế đang được chuẩn bị cho lục địa Phi châu, và hơn 50 năm tới đây, chúng tôi hi vọng có thể đào tạo 6000 người nữa. Nhưng có một điều làm tôi lo lắng. Chúng tôi nhận được khoảng 4000 đơn đăng kí một năm cho 100 suất được nhận bởi học viện, vì thế, tôi nhìn thấy khao khát mãnh liệt được đào tạo trở thành các lãnh đạo. Nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, hôm nay, tôi công bố lần đầu tiên trước công chúng một sự mở rộng tầm nhìn cho Học viện Lãnh đạo Châu Phi Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu 25 trường đại học mới ở châu Phi nơi sẽ nuôi dưỡng thế hệ các nhà lãnh đạo châu Phi tiếp theo. Mỗi trường sẽ có 10.000 nhà lãnh đạo, chúng tôi sẽ cùng học tập và phát triển 250.000 nhà lãnh đạo vào bất kì lúc nào. (Vỗ tay) Hơn 50 năm tới, tổ chức này sẽ tạo ra 3 triệu nhà lãnh đạo tạo nên sự thay đổi cho châu lục này. Tôi hi vọng một nửa trong số họ sẽ trở thành doanh nghiệp mà ta cần, những người sẽ tạo nên công ăn việc làm, và một nửa còn lại sẽ tham gia vào chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, xây nên các cơ quan cần thiết, Nhưng họ sẽ không chỉ học toàn lý thuyết, mà còn được học làm thế nào để trở thành lãnh đạo, và phát triển các kĩ năng như một doanh nhân. Hãy nghĩ về điều này như Ivy League của châu Phi nhưng thay vì được thừa nhận bởi điểm SAT hay vì bao nhiêu tiền bạn có hay gia đình bạn đến từ đâu, tiêu chí chính để học ở trường đại học này sẽ là khả năng của bạn trong việc làm thay đổi châu Phi. Nhưng những gì chúng tôi đang làm chỉ là một nhóm các tổ chức. Chúng tôi không thể tự mình làm thay đổi châu Phi. Hi vọng của tôi là thật nhiều, nhiều các tổ chức trong nước khác sẽ nở rộ, và họ sẽ đến với nhau chia sẻ cái nhìn chung về sự phát triển thế hệ lãnh đạo châu Phi tiếp theo, thế hệ thứ tư, và gửi đi thông điệp chung này: tạo việc làm, xây dựng các cơ quan tổ chức. Nelson Mandela đã từng nói: " Từ giờ về sau, một thế hệ được gọi là trên cả tuyệt vời. Các bạn có thể là thế hệ tuyệt vời đó." Tôi tin tưởng rằng nếu chọn lọc và dạy dỗ cẩn thận các thế hệ lãnh đạo tiếp theo, thế hệ thứ tư sắp đến sẽ là thế hệ tuyệt vời nhất mà châu Phi và cả thế giới từng chứng kiến. Xin cảm ơn! (Vỗ tay)