Mỗi mùa xuân, hàng trăm nhà thám hiểm mơ ước chinh phục đỉnh Qomolangma, hay còn gọi là đỉnh Everest. Đầu tiên, họ cắm trại dưới núi vài tháng chờ đợi để chinh phục ngọn núi với độ cao chết người. Nhưng tại sao mọi người lại mạo hiểm mạng sống để leo lên đỉnh Everest? Liệu đó có là sự thử thách? Hay là do phong cảnh? Hay là cơ hội chạm tới bầu trời? Với nhiều người, sự mê hoặc đến từ việc Everest là ngọn núi cao nhất Trái Đất. Có một điểm cần phân biệt rõ ở đây. Mauna Kea mới thực sự là ngọn núi cao nhất tính từ đáy đến đỉnh, nhưng do ở độ cao 8850 m so với mực nước biển, Everest là đỉnh núi cao nhất hành tinh. Để hiểu được sự hình thành độ cao này, ta phải nhìn sâu bên trong lớp vỏ trái đất, nơi các địa mảng va vào nhau. Bề mặt trái đất như chiếc áo giáp của con tê tê. Các mảng của vỏ trái đất liên tục nhô lên, hạ xuống, và chuyển động xung quanh nhau. Những địa mảng khổng lồ này chuyển động tương đối nhanh. Chúng dịch chuyển 2-4 cm mỗi năm, tương đương với tốc độ móng tay người dài ra. Khi hai địa mảng va vào nhau, một mảng sẽ xô vào hay bên dưới mảng kia, làm uốn nếp nơi tiếp xúc, và dẫn tới hiện tượng nhô lên thành núi. Đó chính là cách đỉnh Everest hình thành. 50 triệu năm trước, mảng Ấn Độ trôi dạt về phía bắc, đâm vào mảng Âu-Á lớn hơn nó, và vỏ trái đất bị biến dạng, kéo theo vận động nâng lên khổng lồ. Đỉnh Everest nằm ở vùng trung tâm của quá trình này, trên rìa vùng va chạm của hai địa mảng Ấn và Âu-Á. Nhưng các ngọn núi hình thành bởi các lực hơn là sự nâng lên. Khi mặt đất được đẩy lên, các khối khí đồng thời cũng bị dịch lên. Khối khí này sau được làm lạnh, tạo thành sự ngưng tụ hơi nước và hình thành nên mưa hoặc tuyết. Khi rơi xuống, chúng sẽ làm mòn địa hình, bào mòn hoặc làm vỡ đá tạo thành quá trình gọi là phong hoá. Nước chảy xuống mang theo các sản phẩm phong hoá và làm xói mòn địa hình, tạo nên những thung lũng sâu thẳm và những đỉnh núi cao vút. Chính sự cân bằng giữa nâng lên và bào mòn đã làm nên hình dạng của những ngọn núi. Nhưng so sánh những đỉnh chọc trời của dãy Himalaya với những ngọn đồi hiền hoà ở Appalachia. Rõ ràng, không phải mọi ngọn núi đều giống nhau. Đó là vì thời gian cũng là một trong các tác nhân. Khi các mảng kiến tạo lần đầu va chạm, quá trình nâng lên diễn ra rất nhanh. Các đỉnh núi cao lên với những dốc đứng. Tuy nhiên, qua thời gian, trọng lực và nước đã bào mòn chúng. Cuối cùng, sự bào mòn bắt kịp sự nâng lên, các đỉnh núi bị ăn mòn nhanh hơn cả khi chúng được nâng lên. Yếu tố thứ ba góp phần trong sự hình thành những ngọn núi là khí hậu. Ở nhiệt độ âm, một phần tuyết sẽ không tan hoàn toàn, thay vào đó, chúng sẽ dần dần kết đọng lại thành băng, Điều đó tạo nên vùng băng tuyết, xuất hiện ở độ cao khác nhau trên trái đất phụ thuộc vào khí hậu. Ở hai cực, băng tuyết nằm ở mực nước biển. Gần xích đạo, bạn phải leo lên năm km trước khi không khí đủ lạnh để có thể hình thành băng. Khối băng tích tụ bắt đầu trôi xuống dưới sức nặng kinh khủng của nó tạo nên một dòng di chuyển chậm gọi là sông băng, mài mòn những tảng đá ở phía dưới. Núi càng dốc, sông băng càng chảy nhanh, và bào mòn đá phía dưới nhanh hơn. Sông băng có thể làm xói mòn địa hình nhanh hơn cả mưa và sông. Sông băng ở trên những đỉnh núi làm phẳng chúng rất nhanh, san bằng phần ngọn như lưỡi cưa tuyết khổng lồ. Vậy, làm thế nào núi băng Everest có thể cao đến thế? Biến cố va chạm địa mảng nơi mà nó phát sinh đã làm nó đồ sộ ngay từ lúc ban đầu. Với lại, ngọn núi này nằm gần vùng nhiệt đới, vì vậy vùng băng tuyết rất cao và sông băng khá nhỏ, không đủ lớn để làm phẳng phần đỉnh. Ngọn núi này tồn tại ngay cả trong điều kiện bão tuyết dữ dội mà vẫn giữ được độ cao ấn tượng. Tuy nhiên điều đó chưa chắc là mãi mãi. Chúng ta sống trong thế giới đầy biến động nơi địa mảng, khí hậu toàn cầu, và khả năng bào mòn của hành tinh có thể một ngày sẽ kết hợp lại để san bằng đỉnh Everest. Nhưng ít nhất bây giờ, nó vẫn là huyền thoại trong tâm trí các nhà leo núi, các nhà thám hiểm, và cả những người mơ mộng.