Điều tôi muốn làm chiều nay khác một chút so với dự định. Về chính sách ngoại giao, quý vị có thể biết qua show truyền hình, của Rachel Maddow hoặc ai đó, nhưng - (Cười) - tôi muốn nói về những người trẻ tuổi và tính tổ chức, những người trẻ tuổi và tính tổ chức. Chiều thứ tư tuần trước tại một ngôi trường ở Brooklyn, New York, trường Trung học Cristo Rey, của những người theo dòng Jesuits. Tôi đã nói chuyện với học sinh ở đây, và quan sát chúng. Chúng ngồi quanh tôi từ ba hướng. Phần lớn trong số đó là trẻ vị thành niên. Bạn sẽ để ý thấy rằng tòa nhà khá là giản dị. Một ngôi trường cũ ở New York, không có gì đặc biệt. Họ vẫn sử dụng bảng đen và một vài thứ tương tự. Có khoảng 300 đứa trẻ trong ngôi trường này, ngôi trường đã hoạt động được 4 năm, và sắp có khóa học sinh tốt nghiệp đầu tiên. 22 học sinh sẽ tốt nghiệp, và cả 22 em sẽ vào đại học. Phần lớn đều đến từ những gia đình, chỉ có một người trong nhà, thường là mẹ hoặc bà, và chỉ vậy thôi, chúng đến đây để nhận sự giáo dục và cả tính tổ chức. Tôi có một bức ảnh đăng trên Facebook của tôi tuần trước, có một bình luận, "Huh, sao ông ta bắt cậu bé đứng nghiêm như vậy?" Và rồi họ nói, "Nhưng trông cậu ta hay quá." (Cười) Trông cậu ta quả là hay, vì trẻ cần có tính tổ chức, một mẹo tôi hay dùng khi đến thăm các trường học là sau khi kết thúc bài học nho nhỏ cho tụi trẻ, tôi mời chúng nêu ra một vài câu hỏi, và khi chúng giơ tay, tôi nói, "Hãy lên đây," tôi mời chúng bước lên và đứng trước mặt tôi. Tôi yêu cầu chúng đứng nghiêm như một quân nhân. Hai tay buông thẳng xuống hai bên, ngẩng lên, mắt mở to, nhìn thẳng về phía trước, và nói rõ ràng câu hỏi để mọi người cùng nghe. Không chùng chân, không xộc xệch, không cái gì đại loại thế. (Cười) Chàng trẻ tuổi này, tên là -- anh ta mang họ Cruz -- anh ta thích điều đó. Ảnh này truyền trên Facebook của anh ta như virus. (Cười) Vài người cho rằng tôi đối xử không tốt với đứa trẻ này. Không, thực ra chúng tôi đang vui vẻ. Điều đáng nói ở đây là, tôi đã chơi trò này nhiều năm, người tham gia càng trẻ, thì lại càng vui nhộn. Khi tôi có những đứa trẻ sáu hay bảy tuổi trong nhóm, tôi phải tìm ra cách giữ cho chúng im lặng. Bạn biết đấy chúng luôn ngọ nguậy và ồn ào. Nên tôi có một trò chơi nhỏ trước khi yêu cầu chúng đứng trong tư thế nghiêm. Tôi nói, "Nào hãy nghe đây. Trong quân đội, khi chúng tôi muốn ai chú ý, chúng tôi có một mệnh lệnh. Đó là 'nghiêm.' Nghĩa là mọi người giữ yên lặng và tập trung chú ý. Hãy nghe đây. Các cháu hiểu chứ?" "uh-huh, uh-huh, uh-huh." "Ta cùng tập. Tất cả bắt đầu nói chuyện." Và tôi cho chúng tự do 10 giây, sau đó tôi ra lệnh, "Nghiêm!" "Huh!" (Cười) "Vâng, thưa tướng quân. Vâng, thưa tướng quân." Thử với lũ trẻ của bạn. Xem có tác dụng không. (Cười) Tôi không nghĩ là có. Dù sao, đó là trò của tôi, đương nhiên nó bắt nguồn từ những trải nghiệm trong quân đội. Trong đa phần cuộc sống từ khi tôi lớn lên, tôi đã làm việc với trẻ, chúng là trẻ vị thành niên mang súng. Chúng tôi gọi chúng nhập ngũ, và điều đầu tiên chúng tôi làm là đưa chúng vào môi trường có tổ chức, có cấp bậc, tất cả đều mặc quân phục, cắt tóc ngắn đồng loạt giống nhau, tất cả đứng theo cấp bậc. Chúng tôi dạy chúng cách nhìn phải, nhìn trái, để chúng tuân theo chỉ dẫn và hiểu hậu quả của việc không chấp hành mệnh lệnh. Điều này mang lại cho chúng tính tổ chức. Chúng tôi giới thiệu với bọn trẻ người hạ sĩ quan huấn luyện. Và chúng ngay lập tức ghét anh ta. Viên hạ sĩ quan huấn luyện bắt đầu hét vào mặt chúng, và yêu cầu chúng làm đủ mọi việc kinh khủng. Nhưng sau một thời gian, điều kinh ngạc nhất đã xảy ra. Khi tính tổ chức đã được xây dựng, khi chúng đã hiểu được lý do của sự việc, một khi chúng hiểu rằng, "Mẹ không ở đây, con trai. Tôi là ác mộng của cậu. Tôi là cha và là mẹ cậu. Mọi việc ở đây diễn ra như vậy. Cậu hiểu không, con trai? Đúng vậy, khi tôi hỏi cậu một câu, chỉ có ba cách trả lời: vâng, thưa ngài; không, thưa ngài; và xin tuân lệnh, thưa ngài. Đừng nói với tôi lý do cậu không làm điều gì đó. Chỉ có vâng, thưa ngài; không, thưa ngài; và xin tuân lệnh, thưa ngài." "Cậu không cạo râu." "Nhưng thưa ngài" "Không, đừng nói với tôi cậu đã thường xuyên cạo râu thế nào. Tôi đang nói với cậu là cậu đã không cạo râu." "Không có lý do, thưa ngài." "Tốt, cậu học nhanh đấy." Bạn sẽ kinh ngạc với những gì bạn có thể làm với những đứa trẻ này khi bạn đã đặt chúng vào trong tổ chức như vậy. Trong 18 tuần, họ đã luyện được kĩ năng. Họ đã trưởng thành. Và bạn biết không, họ bắt đầu ngưỡng mộ hạ sĩ quan huấn luyện họ sẽ không bao giờ quên người hạ sĩ quan huấn luyện. Họ kính trọng anh ta. Cho nên con cái chúng ta cần nhiều hơn tính tổ chức và sự tôn trọng như vậy. Tôi dành rất nhiều thời gian với các nhóm bạn trẻ, và tôi hỏi mọi người, "Khi nào quá trình giáo dục bắt đầu?" Chúng ta luôn bàn, "Hãy thay đổi trường học. Hãy làm nhiều hơn cho giáo viên. Đưa thêm máy tính vào trường. Hãy đưa tất cả hoạt động lên mạng." Đó không phải câu trả lời hoàn chỉnh. Đó chỉ là một phần. Câu trả lời thực sự bắt đầu với việc đưa một đứa trẻ đến trường với tính tổ chức có sẵn trong tâm trí nó. Khi nào quá trình học tập bắt đầu? Có phải trong năm lớp một? Không, không, nó bắt đầu lần đầu tiên khi đứa trẻ nằm trong vòng tay mẹ ngước nhìn lên và nói, "Oh, đây chắc chắn là mẹ mình rồi. Mẹ là người nuôi dưỡng tôi. Ồ phải, khi tôi cảm thấy không thoải mái, mẹ sẽ chăm sóc cho tôi. Tôi sẽ học tiếng nói của mẹ." Thời khắc ấy trẻ không nghe những ngôn ngữ khác chúng có thể học được ở tuổi đó, trong 3 tháng đầu tiên, là từ người mẹ. Và người thực hiện điều đó, là người mẹ hay bà, hay bất cứ ai, đó là khi quá trình giáo dục bắt đầu. Đó là lúc bắt đầu sự hình thành ngôn ngữ. Đó là khi tình yêu bắt đầu. Đó là khởi đầu của tính tổ chức. Đó là khi bạn bắt đầu khắc sâu vào tâm trí đứa trẻ rằng "con thật đặc biệt con khác với tất cả đứa bé khác trên thế giới này. Và ta sẽ đọc sách cho con nghe." Một đứa trẻ không được nghe đọc sách sẽ gặp nguy hiểm khi tới trường học. Một đứa trẻ không biết phân biệt màu sắc hoặc không biết cách xem giờ, không biết buộc dây giày, không biết cách làm những việc như vậy; có một việc đã in sâu vào tâm trí tôi khi nhỏ chỉ bởi một từ: chú ý. Hãy chú ý cách cư xử! Hãy chú ý những lời con nói. Đó là cách trẻ được nuôi dạy đúng đắn. Tôi đã quan sát những đứa cháu nhỏ của tôi lớn lên nhờ vào sự nghiêm khắc của các con tôi, chúng hành động giống như chúng ta. Bạn in dấu trong tâm trí chúng. Đó là những gì bạn cần làm chuẩn bị cho giáo dục và đến trường. Và tôi đang làm việc với tất cả năng lượng mà tôi có để truyền đi thông điệp rằng ta cần trường mầm non, ta cần mẫu giáo, ta cần sự chăm sóc tiền sản. Quá trình giáo dục phải bắt đầu trước khi đứa trẻ được sinh ra, nếu không làm việc đó, bạn sẽ gặp khó khăn sau này. Chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong các cộng đồng rất nhiều trường học, ở đó đứa trẻ bước vào lớp một với đôi mắt giận dữ, chúng khoác ba-lô lên vai lúc nào cũng sẵn sàng ra về, chúng nhận ra mình không giống những học sinh lớp một khác, những đứa trẻ kia biết đến sách, được nghe đọc sách, có thể đánh vần. Tới lớp ba, nếu đứa trẻ không có tính tổ chức và sự chú ý sẽ bắt đầu nhận ra chúng đang tụt hậu, chúng sẽ làm gì? Chúng bèn phá bĩnh. Chúng phá phách và trượt dài, đến chỗ tù tội hoặc bỏ học. Đó là điều có thể dự đoán được. Nếu một học sinh lớp ba không có khả năng đọc nhất định, thì nó có nguy cơ vào tù ở ở tuổi 18, và ta có tỉ lệ công dân bị giam giữ cao nhất bởi không cho trẻ một khởi đầu đúng đắn trong cuộc sống. Chương cuối cùng cuốn sách của tôi có tên "Món quà của sự Khởi đầu tốt đẹp" Món quà của khởi đầu tốt đẹp. Đứa trẻ cần khởi đầu tốt trong đời. Tôi may mắn có được khởi đầu tốt như vậy. Tôi không phải là một học sinh xuất sắc. Tôi là học sinh trường công lập của thành phố New York, thành tích học tập của tôi không đáng tự hào chút nào. Bảng điểm của tôi vẫn lưu ở Hội đồng giáo dục New York từ khi học mẫu giáo đến tận khi học đại học. Tôi rất muốn có nó khi viết quyển sách đầu tiên của mình. để xem kí ức của mình có đúng không, và, Chúa ơi, đúng là như vậy. (Cười) Chỗ nào cũng thấy điểm C. Trầy trật mãi thì cuối cùng tôi cũng học xong trung học, để vào trường đại học của thành phố New York với số điểm trung bình là 78.3, lẽ ra tôi không được nhận, sau đó tôi bắt đầu học nghành chế tạo máy, việc này chỉ kéo dài được có sáu tháng. (Cười) Rồi tôi chuyển sang địa chất, "đá mòn dạ chẳng mòn." Môn này không khó. Và sau đó tôi tìm thấy ROTC (Trường Sĩ quan dự bị). Tôi tìm ra thứ mình có thể làm tốt và yêu thích nó, tôi tìm thấy những bạn trẻ như tôi và cùng chí hướng với tôi. Đó là lý do tôi hiến cả đời tôi cho trường này và cho quân đội. Và tôi nói với các bạn trẻ khắp nơi, khi các bạn đang lớn lên khi tính tổ chức này được xây lên bên trong các bạn, hãy luôn tìm đến công việc có thể làm tốt và yêu thích nó, khi hai điều này kết hợp, thì bạn đã tìm ra rồi. Sự thể nó là như vậy. Đấy là cái tôi đã tìm ra. Bấy giờ trường Đại học New York đã mệt mỏi với sự có mặt của tôi. Tôi đã học ở đây trong bốn năm rưỡi, bảng điểm của tôi không tốt lắm, tôi gặp đôi chút khó khăn với sự quản lý ở đây. Do vậy họ nói, "Nhưng anh ta học rất tốt ở Sĩ quan dự bị. Nhìn xem, toàn được điểm A nhưng chỉ mỗi đây thôi." Rồi họ nói, "Hãy lấy điểm anh ta tại trường Sĩ quan dự bị kết hợp với điểm trung bình GPA xem thế nào." họ làm thế, kết quả là 2.0 tròn. (Cười) Yep. (Cười) (Vỗ tay) Họ bảo, "Vừa đủ điểm cho một công chức. Đưa anh ta vào quân đội. Sẽ không phải gặp lại anh ta nữa." Và do đó họ gửi tôi vào quân ngũ, và, kìa hãy xem, sau nhiều năm, tôi được coi là một trong những học viên xuất sắc nhất trường. Do vậy, tôi muốn nói với các bạn trẻ khắp nơi, rằng vấn đê không phải là anh xuất phát từ đâu, chính điều anh làm với cuộc đời quyết định anh sẽ đến đâu, và bạn thật may mắn được sống trong một đất nước, dầu xuất phát từ đâu, bạn vẫn có cơ hội, chừng nào bạn còn tin vào bản thân, tin vào xã hội và đất nước, tin rằng mình có thể tự hoàn thiện và không ngừng giáo dục bản thân. Và đó chính là chìa khóa thành công. Nhưng nó bắt đầu với món quà của xuất phát tốt. nếu ta không trao món quà đó cho mỗi con trẻ của chúng ta, nếu ta không đầu tư vào thời điểm sớm nhất, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Đó là lý do tại sao có tỉ lệ 25% học sinh bỏ học và 50% người dân tộc thiểu số phải sống trong những khu vực thu nhập thấp, vì họ không được nhận món quà của xuất phát tốt. món quà khởi đầu tốt của tôi không chỉ là một gia đình êm ấm, một gia đình hạnh phúc, nhưng gia đình tôi đã nói với tôi, "Hãy nghe, chúng ta đến nước này trên những chiếc bè chuối vào năm 1920 và 1924. Chúng ta làm việc cật lực mỗi ngày trong ngành may mặc Chúng ta không làm thế để nhìn con cái tự cao tự đại hay gặp rắc rối. Và đừng bao giờ nói chuyện bỏ học." Nếu có hôm nào đó về nhà tôi nói với ông bố bà mẹ của tôi họ sẽ nói "Thế thì bố mẹ từ con. Chúng tao sẽ kiếm đứa khác." Họ có kỳ vọng cho tất cả mấy anh em họ lứa chúng tôi trong đất nước tuyệt vời của chúng ta. Cảm ơn các bạn rất nhiều. "Bố mẹ ơi, con quá mệt phải đến trường con sẽ bỏ học", (Cười) trong những gia đình nhập cư sống cùng trong khu South Bronx, nhưng điều họ gửi gắm ở chúng tôi không chỉ là kỳ vọng. Nó cắm sâu vào tim chúng tôi như lưỡi dao một ý thức về sự hổ thẹn: "Đừng làm hổ thẹn gia đình này." Đôi lúc tôi gặp rắc rối, và bố mẹ tôi về nhà, tôi ngồi trong phòng, chờ điều sắp xảy ra, tôi tự nhủ, "OK, cứ việc lấy thắt lưng mà quật thật đau, nhưng xin đừng nhắc cái câu "làm hổ thẹn gia đình" thêm nữa." Tôi cực kỳ ức chế khi mẹ nói với tôi câu đó. Và tôi còn có mối liên hệ rộng mở bền chặt. Con trẻ cần có mối liên hệ. Con trẻ cần thấy mình là một phần của bộ tộc, của gia đình, của cộng đồng. Tôi có nhiều cô dì cùng sống trong các căn hộ chung cư, không biết trong quý vị ở đây có bao nhiêu người New York, nhưng tại những căn hộ chung cư chúng tôi ở, các bà cô bà dì của tôi bao giờ cũng nhô ra cửa sổ, tì tay vào gối bông. Chả bao giờ họ rời chỗ đó. (Cười) Tôi lớn lên trên con phố ấy, bao giờ cũng thấy họ ở đấy. Chả bao giờ vào nhà đi vệ sinh. Chả bao giờ nấu ăn (Cười) Họ chả bao giờ làm việc gì. Cái họ làm là giữ chúng tôi đúng chỗ. Họ giữ chúng tôi đúng chỗ. Họ chẳng bận tâm liệu anh thành bác sỹ, luật sư hay tướng lĩnh, họ chẳng mơ tưởng trong nhà có người sẽ làm tướng, chỉ cần anh đi học và rồi anh có việc. "Chúng tôi không cần loại tự huyễn hoang tưởng. Các anh có việc, và các anh ra khỏi nhà. Không ai rỗi hơi nghe chuyện hoang đường. Rồi ra các anh còn giúp chúng tôi. Đấy là việc đàn ông con trai." Điều căn bản là cần đưa cái văn hóa này trở lại các gia đình chúng ta, tất cả các gia đình, điều quan trọng là tất cả chúng ta ở đây hôm nay là những người thành đạt, tôi chắc quý vị có gia đình, những người con, người cháu tuyệt vời, Nhưng thế vẫn chưa đủ. quý vị phải vươn ra giúp đỡ và tìm những đứa trẻ như Mr. Cruz đây là người sẽ thành công nếu ta cho họ tính tổ chức, Nếu ta rộng tay giúp đỡ, nếu ta dạy dỗ, nếu ta đầu tư vào các câu lạc bộ của trẻ, nếu ta làm việc với hệ thống nhà trường, thì nhớ đấy phải là hệ thống nhà trường tốt nhất, không chỉ cho con em quý vị, mà là cho khu Harlem, chứ không chỉ ở trung tâm Montessori bên Bờ Tây. Tất cả chúng ta phải dốc lòng làm việc đó. Như thế không chỉ là đầu tư vào lũ trẻ. Mà là đầu tư cho tương lai. Chỉ đến thế hệ sau thôi chúng ta không còn là nước có người thiểu số và người đa số. Người thiểu số hôm nay sẽ là người đa số. Và ta phải sẵn sàng cho điều đó, để họ là đa số ngày mai Để họ sẵn sàng là người lãnh đạo tương lai của đất nước chúng ta vĩ đại, một đất nước không giống với bất kỳ ai, một đất nước mỗi ngày đều khiến tôi kinh ngạc, một đất nước đa dạng. Chúng ta bao giờ cũng tranh luận với nhau. Đó là cách vận hành một hệ thống. Một đất nước có nhiều tương phản. Một dân tộc có nhiều dân tộc. Chúng ta tiếp xúc với mọi dân tộc. Mọi dân tộc đều tiếp xúc với chúng ta. Chúng ta là một dân tộc của những người nhập cư. Nên chúng ta cần có chính sách nhập cư khôn ngoan. Thật vô lý nếu thiếu đi chính sách nhập cư khôn ngoan để chào đón người muốn đến đây thành một phần của dân tộc này, hoặc trao cho họ một giáo dục trước khi đưa họ trở lại nhà để giúp họ vươn lên thoát khỏi nghèo khổ. Một câu chuyện mà tôi hay kể đó là mỗi khi thăm lại New York quê nhà thả bộ dọc Park Avenue một ngày đẹp trời ngắm mọi thứ và nhìn mọi người đến đây từ khắp nơi trên thế giới. Bao giờ tôi cũng dừng chân mua chiếc bánh kẹp xúc xích từ xe hàng rong một người nhập cư. Hơi mất vệ sinh một tí cũng không sao. (Cười) Dù ở đâu hay đang làm gì, tôi cứ phải chén món ấy. Cả khi tôi đương làm Ngoại trưởng Tôi ra khỏi căn phòng sang trọng khách sạn Waldorf Astoria (Cười) tản bộ dọc con phố, đến đại lộ 55, tìm anh bán hàng rong người nhập cư, quanh tôi bấy giờ có năm cận vệ ba xe cảnh sát New York tiếp cận vòng ngoài bảo vệ để không có ai tấn công khi tôi đi dạo. (Cười) Và tôi hỏi mua chiếc bánh kẹp xúc xích anh bán hàng làm bánh, chợt anh thấy chúng quanh toàn vệ sĩ và xe cảnh sát "Tôi có thẻ xanh! Tôi cóp thẻ xanh!" (Cười) "Không sao, không sao." Giờ thì tôi rảnh rồi. Tôi được một mình. Không vệ sĩ. Không xe cảnh sát. Không gì hết. Nhưng vẫn phải có bánh kẹp xúc xích. Tôi vừa ăn tuần trước. Vào tối thứ Ba. Chỗ Vòng Xuyến Columbus. Và cảnh tượng vẫn thường lặp lại. Tôi tiến đến và hỏi mua bánh kẹp, người bán hàng làm bánh vừa xong, anh ấy nói, "Tôi nhìn thấy ông trên TV. Ông là Đại tướng Powell." "Vâng, phải.""Oh..." Tôi gửi anh ấy tiền. "Không, thưa Đại tướng. Ông đừng trả. Vì tôi đã nhận rồi. Nước Mỹ đã trả cho tôi. Tôi không giờ quên từ đâu tôi đến đây. Nhưng giờ tôi là một người Mỹ. Xin cám ơn Ngài." Tôi nhận món quà hảo tâm, rồi đi tiếp dọc con phố, mối xúc cảm nhuần thấm lòng tôi, Chúa ơi, đây là đất nước đã chào đón cha mẹ tôi 90 năm về trước. Chúng ta có ngày nay vẫn là đất nước diệu kỳ này. những người trẻ tuổi đang tiếp tục đến với chúng ta từ khắp nơi trên thế giới, là những công dân chúng ta có nghĩa vụ không để cho một đứa trẻ nào bị bỏ rơi, (Vỗ tay)