Kem chống nắng có nhiều loại, mỗi loại có tác động khác nhau lên cơ thể bạn và môi trường. Với nhiều lựa chọn như vậy, làm thế nào để chọn lựa loại kem chống nắng tốt nhất cho bản thân? Để trả lời câu hỏi này, trước hết, cần tìm hiểu cách thức hoạt động của kem chống nắng. Ánh sáng mặt trời bao gồm các bước sóng điện từ và là nguồn sơ cấp của các tia cực tím, vốn có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy và chứa nhiều năng lượng hơn. Tia UVA, tia UVB và tia UVC được phân loại tuỳ theo bước sóng. Bước sóng ngắn của tia UVC không bao giờ đến được bề mặt Trái Đất, ngược lại với tia UVB và tia UVA. Tia UVB với bước sóng trung bình có thể thâm nhập bề mặt da, tia UVA có bước sóng dài hơn có thể thâm nhập vào da sâu hơn. Một lượng nhỏ tia UVB giúp ta tổng hợp Vitamin D, giữ cho các cơ quan và xương chắc khỏe. Tuy nhiên, việc tiếp xúc lâu dài với tia UVA và UVB có thể gây hại đến ADN, làm lão hóa da, và thúc đẩy sự phát triển của các căn bệnh ung thư da. Kem chống nắng vật lý bảo vệ da bạn bằng cách phản xạ lại các tia UV nhờ các hoạt chất như kẽm oxit hoặc titanium dioxit, kem chống nắng hoá học dùng các gốc carbon đế hấp thụ các photon UV, vô hiệu hoá và tiêu hao chúng dưới dạng nhiệt. Vậy, sự khác biệt giữa các loại kem chống nắng là gì? Khi chọn lựa kem chống nắng, chúng ta có thể so sánh cách sử dụng, chỉ số SPF và các thành phần chính. Dạng xịt có thể tiện dụng, đặc biệt trên người ướt nhưng nghiên cứu gần đây đã chỉ ra hầu hết mọi người không xịt đủ liều lượng. Và nguy cơ sức khoẻ khi hít phải các chất xịt chống nắng có thể khiến bạn cân nhắc việc chọn lựa các sản phẩm dạng bôi. Hãy chọn kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15, dù 30 thì càng tốt. SPF là thang đo khả năng chống bức xạ của tia UVB để bảo vệ cơ thể khỏi bị cháy nắng. SPF 15 làm tốt nhiệm vụ chống được 93% tia UVB. Khả năng chống nắng sẽ tăng nhẹ khi độ SPF tăng. SPF 30 chống được 97%, SPF 50 chống được 98%. SPF thể hiện khả năng chống chọi các tia nắng mặt trời. Việc sau bao lâu bạn bị cháy nắng sẽ tuỳ thuộc vào một danh sách các yếu tố, bao gồm di truyền, khi nào, ở đâu và thời gian bạn ở dưới nắng là bao lâu. Mặc dù, kem chống nắng trên thị trường Mỹ đều đã được FDA đánh giá an toàn, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu ảnh hưởng của nhiều chất chống nắng lên cơ thể con người. Nên nếu lo ngại về khả năng kích ứng, hãy chọn các công thức dựa trên khoáng chất như kẽm oxit hoặc titan oxit. Dù sẽ thấy hơi cộm khi mới sử dụng, bạn sẽ đỡ bị dị ứng hơn so với các chất chống nắng hóa học. Hơn nữa, các khoáng chất này cũng tốt cho môi trường. Nếu định sử dụng khi đi tắm sông hoặc biển, bạn nên nhớ các chất chống nắng hóa học có thể gây hại cho sinh vật biển. Rạn san hô là một ví dụ. Mặc dù chiếm chưa đến 1% bề mặt dưới nước của Trái Đất, chúng là nhà của gần 25% chủng loại cá, và là hệ sinh thái dưới biển đa dạng và hiệu quả nhất. Nghiên cứu cho thấy các chất chống nắng hóa học, như oxybenzone, butylparaben, octinoxate và 4MBC góp phần làm cho tình trạng tẩy trắng san hô thêm trầm trọng. Việc tiếp xúc với các hợp chất hữu cơ này dẫn đến cái chết của các loài tảo cộng sinh san hô. Ngoài việc là nguồn thực phẩm đáng tin cậy, các loài tảo này còn tạo cho rặng san hô sắc màu tuyệt đẹp. Không có chúng, san hô sẽ biến thành một màu trắng, dễ mắc bệnh và có thể chết đi. Một khi san hô chết, toàn bộ hệ sinh thái rạn san hô sẽ không còn. Giờ thì, bạn đã sẵn sàng chọn cho mình loại kem chống nắng kế tiếp rồi đấy. Chỉ số SPF sẽ được ghi ở mặt trước. Mặt sau sẽ ghi thành phần chính, bạn có thể tìm thấy ở đây kẽm oxit, titanium dioxit, và cả những thành phần có hại cho san hô. Hãy dành chút thời gian kiểm tra xem liệu các thành phần đó có thích hợp cho cả bạn lẫn môi trường.