Mọi người ở nhà gọi tôi là người hay hỏi vặn, kẻ gây rối khó ưa, kẻ nổi loạn và nhà hoạt động, tiếng nói của người dân. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng như vậy. Từ nhỏ, tôi đã có biệt danh. Người ta từng gọi tôi là Softy, nghĩa là thằng bé mềm yếu, vô hại. Như tất cả mọi người khác, tôi từng muốn tránh xa rắc rối. Hồi còn nhỏ, người ta dạy tôi giữ im lặng. Đừng cãi, được bảo gì thì làm nấy. Ở trường dòng, họ dạy tôi không được đối chất, không được tranh luận, cho dù tôi đúng, cứ lờ đi. Điều này được củng cố bởi chế độ chính trị thời đó. (Cười) Ở Kenya, bạn bị xem là có tội cho tới khi chứng minh được mình giàu. (Cười) Người nghèo ở Kenya có khả năng bị cảnh sát, người lẽ ra phải bảo vệ họ, bắn chết cao gấp 5 lần tội phạm. Điều này được củng cố bởi bản chất chính trị thời đó. Chúng tôi có một tổng thống, Moi, một kẻ độc tài. Ông ta thống trị đất nước bằng sự tàn bạo, bất cứ ai đặt nghi vấn về quyền hành của ông ta sẽ bị bắt, tra tấn, bỏ tù, thậm chí là giết chết. Thế nên, mọi người được dạy rằng hèn nhưng khôn còn hơn là gây rắc rối. Hèn nhát không phải là một lời xúc phạm. Hèn nhát là một lời khen. Chúng tôi từng được bảo là kẻ hèn sẽ được về với mẹ. Nghĩa là nếu tránh xa rắc rối bạn sẽ được sống. Tôi từng nghi ngờ lời khuyên này, và 8 năm trước, một cuộc bầu cử ở Kenya, có kết quả gây tranh cãi kịch liệt. Theo sau kì bầu cử đó là bạo lực, cưỡng bức, và hơn 1000 người bị giết hại. Công việc của tôi là ghi nhận lại sự bạo lực đó. Là một nhà nhiếp ảnh, tôi chụp hàng nghìn tấm ảnh, và sau hai tháng, hai chính trị gia gặp nhau, uống trà, kí một hiệp định hòa bình, và đất nước lờ nó đi. Tôi bị ám ảnh khi trực tiếp chứng kiến sự bạo lực đó. Tôi chứng kiến sự giết chóc, sự trục xuất. Tôi gặp những phụ nữ từng bị cưỡng bức, và nó ám ảnh tôi, nhưng cả đất nước không hề nói gì về nó. Chúng tôi đều giả vờ, đều là những kẻ hèn khôn ngoan. Chúng tôi quyết định tránh xa rắc rối và không nói về nó. 10 tháng sau, tôi bỏ việc. Tôi bảo tôi không chịu được nữa. Sau khi bỏ việc, tôi tập hợp bạn bè để nói về bạo lực trong nước, và về tình trạng quốc gia, ngày 1 tháng 6, năm 2009 chúng tôi dự định đến một sân vận động và cố gắng gây sự chú ý của tổng thống. Đó là một ngày quốc lễ được truyền hình trên cả nước, và tôi đã đến sân vận động. Các bạn tôi thì không. Tôi chỉ có một mình, và không biết phải làm gì. Tôi sợ, nhưng tôi biết rất rõ rằng chính ngày hôm đó, tôi phải quyết định. Liệu tôi sẽ sống hèn nhát, như tất cả mọi người khác, hay là sẽ đứng lên? Và khi ngài tổng thống đứng dậy phát biểu, tôi đứng lên và hét vào ông ta, nhắc nhớ ông ta về những nạn nhân của cuộc bạo lực sau kì bầu cử, ngăn chặn tham nhũng. Và tự dưng, không biết từ đâu, cảnh sát lao vào tôi như những con sư tử đói. Họ bịt miệng tôi, lôi tôi ra khỏi sân vận động, đánh đập và giam tôi vào tù. Tôi trải qua đêm hôm đó trên nền xi măng lạnh ngắt trong tù, và tôi nghĩ: "Điều gì khiến tôi cảm thấy thế này?" Bạn bè và gia đình nghĩ tôi bị điên vì những gì đã làm, và những tấm ảnh mà tôi chụp đang phá hỏng cuộc đời tôi. Những tấm ảnh đó, với nhiều người Kenya, chỉ là một con số. Đa số họ không cho đó là bạo lực mà chỉ là một câu chuyện mà thôi. Thế là tôi quyết định trưng bày trên đường phố giới thiệu những hình ảnh về cuộc bạo lực khắp đất nước và khiến mọi người bắt đầu nói về nó. Chúng tôi đi khắp cả nước và giới thiệu những hình ảnh đó, cuộc hành trình ấy đã khiến tôi bắt đầu con đường hoạt động. Tôi quyết định thôi im lặng, và lên tiếng về những vấn đề này. Chúng tôi đi khắp nơi, và khu vực mà chúng tôi triển lãm đường phố trở thành địa điểm graffiti về chính trị, về nạn tham nhũng, sự lãnh đạo tệ hại. Chúng tôi còn thực hiện những nghi thức chôn cất. Chúng tôi gửi những con heo sống tới nghị viện Kenya như biểu tượng cho sự tham lam của các chính trị gia. Điều này đã được làm ở Uganda và các nước khác, và mạnh mẽ nhất là những tấm ảnh được truyền thông chọn và lan rộng ra khắp cả nước, xuyên qua châu lục. Nơi mà tôi đứng lên đơn độc bảy năm trước, giờ thuộc về một cộng đồng gồm nhiều người đứng lên cùng tôi. Tôi không còn đơn độc khi đứng lên nói về những vấn đề này. Tôi thuộc về một nhóm người trẻ tuổi quan tâm đến đất nước, mong muốn mang đến sự thay đổi, và không còn sợ hãi, không còn hèn nhát Đó là câu chuyện của tôi. Ngày hôm đó, ở sân vận động, tôi đứng lên như một kẻ hèn. Nhưng bằng hành động đó, tôi chấm dứt 24 năm sống hèn nhát. Có hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời bạn: ngày bạn được sinh ra, và ngày bạn tìm được lí do cho sự tồn tại của mình. Ngày tôi đứng lên ở sân vận động hét vào ngài tổng thống, tôi tìm được lí do mình được sinh ra, và biết rằng mình sẽ thôi im lặng trước bất công. Bạn có biết lí do mình được sinh ra chưa? Xin cảm ơn. (Vỗ tay) Tom Rielly: Một câu chuyện tuyệt vời. Tôi chỉ muốn hỏi bạn một số câu hỏi. PAWA254: bạn đã sáng lập một phòng thu, nơi người trẻ tuổi có thể tới và dùng sức mạnh của truyền thông để thực hiện các hoạt động này. Vậy PAWA đang hoạt động như thế nào? Boniface Mwangi: Chúng tôi có cộng đồng các nhà làm phim, nghệ sĩ graffiti, nhạc sĩ, và khi có một vấn đề trong nước, chúng tôi họp, suy nghĩ, và tìm cách giải quyết. Công cụ mạnh nhất của chúng tôi là nghệ thuật, vì ta sống trong một thế giới bận rộn, mọi người tất bật với cuộc sống, và họ không có thời gian để đọc. Nên chúng tôi gói gọn các hoạt động vào nghệ thuật. Từ âm nhạc, graffiti, nghệ thuật, đó là những gì chúng tôi đang làm. Tôi có thể nói một điều nữa không? TR: Vâng, tất nhiên chứ. (Vỗ tay) BM: Mặc dù bị bắt, đánh đập, đe dọa, khi tìm ra tiếng nói của mình, rằng tôi có thể đứng lên vì niềm tin, tôi không còn sợ hãi. Tôi từng bị gọi là Softy, nhưng tôi không còn mềm yếu, vì tôi đã tìm ra con người thật của tôi, những gì tôi muốn làm, và điều ấy thật tuyệt. Không gì mạnh mẽ bằng việc tìm thấy lí do mình được sinh ra, vì bạn không còn sợ hãi, bạn tiếp tục sống cuộc đời của mình. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)