Tôi đã nghĩ rất nhiều về từ đầu tiên mình sẽ nói ngày hôm nay và tôi quyết định đó là "Colombia". Lý do là, dù tôi không biết bao nhiêu người ở đây đã từng đến đó, nhưng Colombia nằm ở biên giới phía bắc của Brazil. Một đất nước tuyệt đẹp với những con người tuyệt vời như tôi và nhiều người khác (tiếng cười) hệ động thực vật phong phú. Có nước, có mọi thứ làm nên một nơi hoàn hảo để sống. Nhưng chúng tôi có một vài vấn đề. Có thể các bạn cũng đã biết. Đất nước chúng tôi có cuộc chiến tranh du kích dài nhất trong lịch sử, đã kéo dài hơn 50 năm, nghĩa là trong đời, tôi chưa từng được sống 1 ngày hòa bình trên quê hương. Lực lượng nổi dậy - trong đó thành phần chính là FARC, Lực lượng Vũ trang Cách mạng của Colombia - họ kiếm tiền để gây chiến bằng việc bắt cóc, tống tiền, tham gia buôn ma túy khai thác mỏ trái phép. Đã có những vụ khủng bố, những vụ đánh bom ngẫu nhiên. Rõ ràng, đó không phải là điều tốt. Thực sự rất không tốt. Nhìn vào tổn thất nhân mạng của cuộc chiến này hơn 50 năm qua, chúng tôi đã có hơn 5,7 triệu dân tái định cư, đông nhất trên thế giới, và cuộc xung đột này đã cướp đi hơn 220.000 nghìn mạng sống. Gần như là chiến tranh Bolivia thứ hai vậy. Đã có rất rất nhiều người chết một cách vô ích. Hiện giờ, chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình, một phần của tiến trình này, chúng tôi quyết định tiến hành một chiến dịch hoàn toàn khác biệt: Những ngọn đèn Giáng Sinh. Những ngọn đèn Giáng Sinh, ý anh là sao? Chẳng ăn nhập gì cả! Tôi đang nói đến những cái cây khổng lồ mà chúng tôi đặt ở 9 đường mòn trọng điểm trong rừng được trang hoàng bằng những ngọn đèn Giáng Sinh. Những cái cây này đã giúp chúng tôi giải giáp 331 lính du kích, gần 5% lực lượng du kích thời điểm đó. Chúng được thắp sáng hàng đêm, và có những bảng hiệu bên cạnh ghi rằng: "Nếu Giáng Sinh có thể tới rừng rậm, bạn có thể về nhà" Hãy giải ngũ. Đêm Giáng Sinh, mọi chuyện đều có thể " Làm thế nào chúng tôi biết những cây này có tác dụng? Ồ, chúng tôi có 331 người, con số khá tốt dù có rất ít du kích nhìn thấy những cái cây nhưng rất nhiều người trong số họ được nghe về chúng, chúng tôi biết điều này khi trò chuyện với lính du kích phục viên. Tôi sẽ nói về bốn năm trước khi có những cái cây này. Bốn năm trước khi có chúng, chính phủ đã tìm đến và nhờ chúng tôi nghĩ ra một chiến lược truyền thông để vận động càng nhiều lính du kích ra khỏi khu rừng càng tốt. Chính phủ đã có chiến lược quân sự, chiến lược pháp lý, chiến lược chính trị, nhưng họ nói rằng: "Chúng tôi không thực sự có một chiến lược truyền thông, và đó là điều cần phải làm." Chúng tôi ngay lập tức vào cuộc, vì đó là cơ hội hiếm có để tác động đến cục diện của cuộc xung đột bằng thành quả của chúng tôi theo cách riêng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa biết nhiều về cuộc chiến này. Ở Colombia, nếu sống ở thành thị, bạn sẽ ở rất xa nơi cuộc chiến thật sự diễn ra, vì thế, bạn không thể hiểu hết được nó, chúng tôi đã yêu cầu được tiếp xúc với tất cả những du kích phục viên có thể liên lạc được. Chúng tôi trò chuyện với khoảng 60 người trước khi cảm thấy hoàn toàn hiểu rõ được vấn đề. Họ kể cho chúng tôi tại sao lại tham gia vào lực lượng nổi dậy, tại sao họ rời nhóm du kích, những điều họ mơ ước, những điều làm họ thất vọng, từ những cuộc đối thoại đó chúng tôi nhận ra vấn đề cốt lõi dẫn đến sự hình thành toàn bộ chiến dịch này, Đó là: Lính du kích cũng không khác gì tù nhân mà tổ chức của họ bắt làm con tin. Ngay từ đầu, chúng tôi đã rất cảm động và ngạc nhiên bởi những câu chuyện đó, và nghĩ rằng cách tốt nhất để nói chuyện với lính du kích là để họ tự nói với nhau, vì vậy, trong năm đầu tiên, chúng tôi ghi âm hàng trăm câu chuyện, đưa lên đài phát thanh và truyền hình để lính du kích trong rừng có thể nghe những câu chuyện về chính họ, hoặc giống với hoàn cảnh của họ, và khi nghe được chúng, họ sẽ quyết định ra đi. Tôi muốn kể cho các bạn một trong số đó. Người các bạn đang thấy tên là Giovanni Andres. Giovanni Andres 25 tuổi khi chụp bức ảnh này. Anh ta làm lính du kích 7 năm và vừa phục viên cách đây không lâu. Câu chuyện của anh ta như sau: Anh ấy được tuyển năm 17 tuổi, một thời gian sau đó, trong nhóm của anh ta, một cô gái xinh đẹp cũng được tuyển, và họ đã yêu nhau. Họ nói với nhau về cuộc sống gia đình, tên của con cái sau này, và cuộc sống của họ sau khi rời lực lượng du kích. Nhưng hóa ra, tình yêu là điều cấm kị trong hàng ngũ lính du kích cấp thấp, khi chuyện tình của họ bị phát giác họ bị chia rẽ. Anh ấy bị điều tới một nơi rất xa còn cô ấy phải ở lại. Cô ấy rất quen thuộc với địa hình nơi đó, nên một đêm, trong phiên gác của mình, cô ấy đã bỏ trốn, cô đến gặp quân đội và phục viên, cô gái đó là 1 trong những người mà chúng tôi may mắn được trò chuyện, chúng tôi rất cảm động khi nghe chuyện nên đã đưa nó lên sóng phát thanh và thật tình cờ, ở một nơi rất xa, cách nhiều cây số về phía bắc, anh ấy đã nghe thấy cô trên đài, và khi nghe thấy giọng cô, anh ta tự hỏi: "Mình đang làm gì thế này? Cô ấy đã có dũng khí để trốn thoát, mình cũng phải làm điều tương tự." Và anh ta làm thật. Anh ấy đã đi 2 ngày 2 đêm, đánh liều mạng sống để trốn ra ngoài, và điều duy nhất anh ấy muốn là được nhìn thấy cô. Điều duy nhất trong đầu anh ấy là được nhìn thấy cô ấy. Chuyện là họ đã gặp được nhau. Tôi biết các bạn đang thắc mắc điều đó. Họ đã gặp nhau. Cô ấy được tuyển năm 15 tuổi và trốn ra năm 17 tuổi, có rất nhiều chuyện phức tạp diễn ra nhưng cuối cùng họ đã gặp được nhau. Tôi không biết họ có còn ở bên nhau không, để tìm hiểu sau vậy. (tiếng cười) Nhưng có thể thấy rằng chiến lược phát thanh đã có tác dụng. Vấn đề ở chỗ, nó chỉ có tác dụng trong hàng ngũ lính du kích cấp thấp. Chứ không tác động đến những người chỉ huy những người khó thay thế hơn, vì lính có thể dễ tuyển nhưng sẽ khó để tìm được những chỉ huy lớn tuổi. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, có thể dùng cách tương tự. Để chỉ huy nói với những người chỉ huy. Chúng tôi thậm chí đã nhờ đến cựu chỉ huy của các nhóm du kích ngồi trên trực thăng và dùng loa để nói với những người đã từng chiến đấu với họ rằng: "Có một cuộc sống tốt đẹp hơn ngoài kia" " Tôi đang sống tốt" "Điều này là không đáng"... Nhưng các bạn có thể tưởng tượng, việc này rất dễ bị phản tác dụng, bởi những lính du kích sẽ nghĩ rằng: "Đúng rồi, nếu ông ta không nói vậy ông ta sẽ bị giết cho coi" Điều đó rất dễ xảy ra, nên chúng tôi đã rời đi mà không thu được kết quả gì, bởi vì lực lượng du kích lan truyền rằng những chỉ huy đó nói như thế vì nếu không làm vậy, họ sẽ gặp nguy hiểm. Và vài người, những người xuất sắc trong đội của chúng tôi đã đến và nói thế này: " Anh biết tôi nhận ra điều gì không? Tôi để ý cứ gần mỗi mùa Giáng Sinh số lượng lính phục viên lại tăng cao nhất kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu". Và điều đó thật đáng kinh ngạc, nó làm chúng tôi nhận ra rằng mình cần nói chuyện với con người chứ không phải là những người lính. Chúng tôi cần tách khỏi cuộc đàm phán giữa chính phủ với quân đội, giữa các lực lượng nổi dậy, để quan tâm tới những giá trị chung của nhân loại, và nghĩ đến bản chất của con người. Đó là khi chiến dịch Những cây thông Noel bắt đầu. Bức hình tôi có ở đây là buổi lên kế hoạch cho chiến dịch Những cây thông Noel, và người đàn ông với 3 sao mà bạn thấy ở đây, là Chỉ huy Juan Manuel Valdez. Chỉ huy Valdez là quan chức cao cấp đầu tiên đã cung cấp máy bay trực thăng và hỗ trợ chúng tôi dựng lên những cây thông Noel này, tôi sẽ không bao giờ quên những điều ông ấy nói ngày hôm đó: "Tôi làm việc này vì giúp đỡ người khác khiến tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, làm những người lính của tôi mạnh mẽ hơn". Mỗi lần nhớ về ông, tôi lại xúc động vì ông đã hy sinh trong 1 trận chiến và chúng tôi thật sự rất nhớ ông, tôi muốn các bạn thấy ông vì đó là một người rất quan trọng. Ông đã hỗ trợ chúng tôi mọi thứ để dựng lên những cây thông Noel đầu tiên. Tất cả những lính phục viên trong suốt khoảng thời gian chúng tôi thực hiện chiến dịch Những cây thông Noel đều nói: "Việc đó rất tốt, những cây thông Noel thật sự rất đẹp, Nhưng anh biết không? Chúng tôi không đi đường bộ nữa. Chúng tôi dùng đường sông " Sông là đường cao tốc của rừng rậm, và chúng tôi biết được rằng hầu hết những đợt tuyển quân được thực hiện ở các ngôi làng ven sông. Vì vậy, chúng tôi đến những ngôi làng này, và hỏi người dân ở đó, liệu có ai trong số họ là người quen của lính du kích. "Bạn có thể gửi cho lính du kích 1 lời nhắn không?" Chúng tôi đã thu được hơn 6.000 lời nhắn. Có những tờ giấy ghi hãy rời khỏi đó đi. Một số lại là đồ chơi, có cả bánh kẹo. Thậm chí, có người tháo cả đồ trang sức, những cây thánh giá nhỏ, vật làm tin, chúng tôi bỏ chúng vào những quả bóng nổi rồi thả trên sông để người ta có thể nhặt được vào ban đêm. Chúng tôi đã thả hàng ngàn cái, và nhặt lại chúng nếu không ai lấy. Rất nhiều cái đã được lấy đi. Tính trung bình, mỗi 6 tiếng lại có một lính phục viên trong chiến dịch này, điều đó thật tuyệt vời và tất cả đều mang ý nghĩa: Hãy về nhà vào Giáng Sinh. Tiếp theo sau đó là tiến trình hòa bình, và khi tiến trình hòa bình bắt đầu, quan điểm của lính du kích hoàn toàn thay đổi. Bởi tiến trình này làm họ nghĩ: "Ồ nếu đã có đàm phàn hòa bình, mọi thứ rồi cũng sẽ kết thúc. Đến một lúc nào đó, mình sẽ thoát khỏi đây". Những lo lắng của họ hoàn toàn thay đổi, họ không còn sợ rằng: "Liệu mình có bị giết?" thay vào đó là "Liệu tôi có bị từ chối? Khi ra khỏi đây, liệu tôi có bị chối từ?" Vì thế, những gì chúng tôi làm vào Giáng Sinh năm ngoái là tìm đến 27 người mẹ của lính du kích, xin họ đưa cho chúng tôi những bức ảnh của con mình, chỉ có họ mới nhận ra bản thân, để không khiến họ gặp nguy hiểm, và chúng tôi nhờ họ gửi đến 1 thông điệp tràn đầy tình yêu thương của người mẹ: "Trước khi là một du kích, con là con của mẹ, hãy quay về nhà, mẹ đang chờ con". Những bức ảnh đó đây, tôi sẽ cho các bạn xem vài tấm. (Vỗ tay) Cảm ơn. Những bức ảnh này được đặt ở rất nhiều nơi, và rất nhiều người trong số đó đã quay lại điều đó thật sự tuyệt vời. Đó là lúc chúng tôi quyết định phối hợp với cộng đồng. Đầu tiên là những bà mẹ trong mùa Giáng Sinh. Tiếp theo nữa là những người còn lại. Không biết các bạn có nhớ không, trong kì World Cup vừa rồi, đội tuyển Colombia đã chơi rất hay, đó là khoảnh khắc đoàn kết cho Colombia. Và những gì chúng tôi đã nói với lính du kích là: "Xem nào, hãy ra khỏi rừng rậm. Chúng tôi dành 1 chỗ cho bạn". Khẩu hiệu trên truyền hình và tất cả phương tiện truyền thông đại chúng là: "Chúng tôi dành 1 chỗ cho bạn". Người lính trong quảng cáo này nói: "Tôi dành một chỗ cho bạn ngay trên chiếc trực thăng này để bạn có thể ra khỏi rừng rậm và xem World Cup" Cựu tuyển thủ bóng đá, phát thanh viên, mọi người đều dành một chỗ cho lính du kích. Từ khi bắt đầu công việc này được hơn khoảng 8 năm, đã có 17.000 lính du kích phục viên. Tôi không -- (Vỗ tay) Cảm ơn. Tôi không nói rằng điều đó là chỉ nhờ vào những gì chúng tôi làm, nhưng tôi biết chắc rằng những việc mà chúng tôi làm đã giúp rất nhiều người trong số họ bắt đầu nghĩ đến việc giải ngũ, và có thể đã giúp nhiều người đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu điều đó đúng, truyền thông vẫn là 1 trong những công cụ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ nhất mà chúng ta đang có. Tôi nói điều này không chỉ với tư cách cá nhân, mà xin thay mặt tất cả những đồng nghiệp làm truyền thông tại đây và những nhóm tôi đã làm việc cùng, xin nhắn gửi với các bạn rằng: Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hay muốn có được hòa bình, hãy gọi cho chúng tôi. Chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)