Khi tôi quyết định tạo ra một tác phẩm ở Manshiyat Naser, khu vực lân cận bãi phế thải tập trung tại Cairo ở Ai Cập, Tôi không hề nghĩ rằng dự án này lại là trải nghiệm con người tuyệt vời nhất mà tôi có. Là một nghệ sĩ, tôi luôn hướng nhân theo cách tô đẹp thêm cho khu dân cư nghèo lạc hậu bằng việc mang nghệ thuật đến và hi vọng nó sẽ tỏa sáng cộng đồng bị cô lập này. Lần đầu tiên tôi được nghe về cộng đồng Công Giáo Ai Cập này là vào năm 2009 khi các nhà chức trách Ai Cập dưới quyền Hosni Mubarak quyết định giết 300,000 con heo vì sợ lây nhiễm virut H1N1. Họ từng là người nhân giống heo. Heo và các động vật khác được nuôi bằng chất thải hữu cơ mà họ thu thập hàng ngày. Sự kiện này làm mất nguồn sống của họ. Khi đặt chân tới Manshiyat Naser lần đầu, nó giống như mê cung vậy. Tôi đi tìm Tu viện Thánh Simon trên đỉnh núi Muqattam. Nếu bạn rẽ phải, đi thằng, lại rẽ phải, rồi rẽ trái bạn sẽ lên tới đỉnh núi. Nhưng để tới đó, bạn phải né giữa các xe tải chở đầy rác và những xe tuk-tuk lao vun vút, loại xe chạy nhanh nhất trong cả khu vực đó. Mùi rác trên xe tải bốc lên rất nặng, và xe cộ ồn ào tới mức không thể chịu được. Thêm tiếng ồn đinh tai từ máy nghiền trong các khu nhà xưởng dọc đường nữa. Từ ngoài nhìn vào chỉ thấy hỗn loạn, những mọi thứ được sắp xếp rất trật tự. Họ tự gọi mình là người Zaraeeb, là những người phối giống heo, đã thu gom rác thải ở khắp Cairo và tự phân loại vài thập kỉ nay rồi. Họ đã phát triển một trong những hệ thống hiệu quả và mang lại lợi nhuận nhất trên quy mô toàn cầu. Thế nhưng chỗ này vẫn được coi là bẩn thỉu, nhỏ bé và cách biệt bởi họ làm việc với rác thải. Ý tưởng ban đầu của tôi là tạo một bức hình ghép, bức hình bạn chỉ có thể nhìn trọn vẹn từ một điểm duy nhất. Tôi muốn tự thử thách bản thân bằng cách vẽ hình lên vài tòa nhà và bức tranh tổng thể chỉ thấy được từ một điểm trên núi Muqattam. Núi Muqattam là niềm tự hào của cộng đồng dân cư ở đó. Đó là nơi họ xây dựng Tu viện Thánh Simon, một nhà thờ 10,000 chỗ ngồi được đục đẽo trong lòng núi. Lần đầu tiên tôi đứng trên đỉnh núi và nhìn xuống khu dân cư, Tôi tự hỏi, làm sao tôi có thể thuyết phục tất cả người chủ của những tòa nhà đó cho tôi vẽ lên? Và rồi Magd tới. Magd là người hướng dẫn của Nhà thờ. Anh ta nói người duy nhất tôi cần thuyết phục là Cha Samaan, là người lãnh đạo cả cộng đồng. Nhưng để thuyết phục Cha Samaan, tôi cần thuyết phục Mario, một nghệ sĩ người Ba Lan chuyển tới sống ở Cairo 20 năm trước và là người vẽ tất cả các tác phẩm của Nhà thờ trong Hang. Tôi rất biết ơn Mario. Anh ấy là trụ cột của dự án. Anh ấy sắp xếp cho tôi gặp mặt Cha Samaan, và bất ngờ là Cha thích ý tưởng đó. Cha hỏi tôi đã từng vẽ ở những đâu và kế hoạch của tôi thế nào. Ông chỉ lo lắng về những gì tôi định viết. Trong mọi tác phẩm, tôi viết những lời nhắn với thư pháp Ả rập. Tôi đảm bảo rằng những tin nhắn đó có nội dung liên quan tới nơi tôi vẽ nhưng có tầm nhìn rộng hơn, để bất cứ ai trên thế giới cũng hiểu được nghĩa của nó. Nên với Manshiyat Naser, tôi quyết định viết chữ Ả rập với ngôn từ của St. Athanasius Alexandria một giám mục ở thế kỷ 13, người từng nói: (Ả rập), trong tiếng Anh nghĩa là, "Ai muốn nhìn rõ ánh mặt trời cần phải lau sạch mắt trước." Điều thực sự quan trọng là cả cộng đồng thấy gắn kết với câu nói đó. Và với tôi lời dẫn này hoàn toàn phản ánh tinh thần của dự án. Cha Samaan ban phước lành cho dự án, và sự chấp thuận của ông được người dân hưởng ứng. Hàng trăm thùng sơn, một tá thang kéo tay, vài chuyến đi và về từ Cairo, một đội xuất chúng từ Pháp, Bắc Phi, Trung Đông và Hoa Kỳ, và mất một năm lên kế hoạch và làm công tác hậu cần, giờ đây, đội của tôi và vài thành viên từ cộng đồng địa phương đã làm nên bức vẽ lớn trải dài 50 tòa nhà, và với các chữ thư pháp tôi dùng màu sắc nổi bật lên. Chỗ này xanh, chỗ kia vàng, rồi cam nữa. Vài người khác mang các bao tải cát và đặt chúng lên đỉnh các tòa nhà để giữ các thang kéo tay này một vài người khác lắp đặt và tháo dỡ các thang nâng di chuyển chúng từ tòa nhà này qua tòa nhà khác Ban đầu, tôi đánh số các tòa nhà trên bản vẽ của tôi, mà không tương tác gì với người dân cả. Mọi người không hiểu tại sao phải làm vậy. Nhưng rồi, những con số đó thân thuộc như tên gọi trong nhà. Tòa nhà đầu tiên là nhà của Chú Ibrahim. Chú là một người rất có đam mê. Luôn luôn hát và cười đùa vui vẻ, và các con của chú ấy cứu tôi khỏi con bò tót khi nó tấn công tôi trên lầu bốn. (tiếng cười) Thực ra, con bò thấy tôi bên cửa sổ và nó lao ra ban công. (tiếng cười) Vậy đó. Chú Ibrahim luôn đứng ngoài ban công và nói chuyện với tôi khi tôi đang vẽ. Tôi nhớ chú từng kể chú đã không lên núi 10 năm rồi, rằng chú chưa bao giờ có ngày nghỉ. Chú nói nếu chú nghỉ làm, ai sẽ xử lý rác thải? Ngạc nhiên thay, khi dự án kết thúc, chú leo lên tận đỉnh núi để ngắm nhìn tác phẩm. Chú nói chú tự hào khi nhà chú được vẽ lên, và chú nói dự án này là dự án vì hòa bình và -- xin lỗi -- (vỗ tay) Cảm ơn các bạn. Chú nói đây là dự án vì hòa bình và vì sự đoàn kết nó mang mọi người lại gần nhau hơn. Cách chú nhìn dự án thay đổi hoàn toàn, và cách tôi nhìn người dân cũng vậy, dựa vào công sức họ đóng góp. Rác thải mà ai cũng ghê tởm ấy không phải là của họ. Họ chỉ kiếm sống nhờ nó thôi. Họ không sống trong bãi rác. Họ sống nhờ bãi rác. Tôi tự vấn bản thân và băn khoăn thực sự dự án này có mục đích gì? Không phải làm nơi này đẹp lên bằng cách mang nghệ thuật tới đây. Mà là để thay đổi cách nhìn và mở ra những kênh đối thoại để kết nối với các cộng đồng ta không hề biết đến. Ngày qua ngày, bức thư pháp đang dần thành hình, và chúng tôi vẫn luôn háo hức leo lên đỉnh núi và ngắm hình nó. Đứng ngay tại điểm đó mỗi ngày giúp tôi nhận ra biểu tượng phía sau bức tranh lớn này. Nếu bạn muốn nhìn thấu ai đó, có lẽ bạn nên thay đổi góc nhìn. Có những nghi ngờ và khó khăn, như sợ hãi và căng thẳng. Không đơn giản để làm việc với môi trường này, đôi khi có những con heo ở bên dưới khi bạn vẽ hoặc trèo qua khỏi đống rác để đi vào thang kéo. Nhưng chúng tôi vượt qua nỗi sợ độ cao, thang chòng chành, mùi nồng nặc của rác và cả áp lực về thời gian nữa. Sự tận tình của người dân làm tôi quên đi mọi thứ. Tòa nhà thứ 3 là của Chú Bakheet và Dì Fareeda. Ở Ai Cập họ nói thế này, "Ahsen Nas," tức là "những người tuyệt vời." Họ thực sự tuyệt vời Chúng tôi hay nghỉ giải lao trước nhà của họ và đám con nít hàng xóm hay chơi cùng chúng tôi. Tôi bị ấn tượng và kinh ngạc bởi đám con nít ở Manshiyat Naser. Vài ngày đầu, chúng từ chối mọi thứ mà chúng tôi cho chúng, kể cả bánh kẹo hay đồ uống. Tôi hỏi Dì Fareeda, "Tại sao vậy dì?" Dì nói ba mẹ chúng dạy phải từ chối mọi thứ từ người lạ chúng không biết vì họ sợ những người đó còn khó khăn hơn mình nữa. Tới lúc này tôi thực sự nhận ra Cộng đồng Zaraeeb là nơi lý tưởng để đưa ra chủ đề về cách nhìn. Chúng ta phải tự chất vấn về cái nhìn sai lệch của mình và những nhận xét ta đưa ra nhắm vào những cộng đồng chỉ vì họ khác biệt. Chúng tôi nhớ bị trễ giờ tại nhà Chú Ibrahim khi heo của chú phối giống trên sân thượng ăn hết các bao tải cát giữ thang kéo. (tiếng cười) Nhà của Chú Bakheet và Dì Fareeda thường là nơi tụ họp. Mọi người tập trung ở đó. Tôi nghĩ đó là ý của Chú Ibrahim khi chú nói dự án vì hòa bình và đoàn kết, vì tôi thực sự cảm thấy sự kết nối giữa mọi người. Ai cùng cười khi chào chúng tôi, cho chúng tôi đồ uống và mời chúng tôi dùng bữa trưa với gia đình họ. Đôi khi, bạn đang ở tầng trệt, có người mở cửa sổ ra và cho bạn một ít trà. Rồi lên lầu hai cũng vậy. Cứ thế cho tới đỉnh tòa nhà. (tiếng cười) (vỗ tay) Tôi chưa bao giờ uống nhiều trà như lúc ở Ai Cập. (tiếng cười) Và thành thật mà nói, chúng tôi có thể xong sớm hơn, nhưng mất thêm ba tuần vì cứ nghỉ uống trà như vậy. (tiếng cười) Ở Ai Cập họ cũng hay nói, "Nawartouna," nghĩa là, "Bạn khai sáng chúng tôi." Ở Manshiyat Naser họ luôn nói vậy với chúng tôi. Bức thư pháp này, thực ra -- tôi dùng sơn phát quang màu trắng cho phần chữ nên khi hoàn thành dự án, chúng tôi thuê máy chiếu ánh sắc đen và chiếu vào khu dân cư, làm mọi người đều bất ngờ. Chúng tôi muốn nói rằng họ mới là người mang ánh sáng cho chúng tôi. (vỗ tay) Công đồng Zaraeeb rất đoàn kết, trung thực, và cần cù, và họ biết giá trị của mình. Người dân Cairo gọi họ là "người Zabaleen," nghĩa là "người sống trong rác," nhưng trớ trêu thay, người dân ở Manshiyat Naser gọi người Cairo bằng cái tên đó. Họ nói, chính đám đó mới xả rác ra, chứ không phải họ. (tiếng cười) (vỗ tay) Mục đích là để lại điều gì đó cho cộng đồng này, nhưng tôi cảm thấy chính họ đã để lại giá trị cho chúng tôi. Bạn thấy đấy, dự án nghệ thuật này chỉ là nền cho trải nghiệm tuyệt vời này. Tác phẩm đó rồi cũng biến mất, thành cát bụi, và hiện đang có người xây lấn ra trên lầu hai trước tòa nhà Chú Ibrahim, và nó che mất một phần bức tranh, nên có lẽ tôi phải quay lại và sơn lại nó. (tiếng cười) Nó mang lại trải nghiệm, những câu chuyện, và những khoảng khắc. Nhìn từ dưới những con đường, bức tranh có vẻ rất phân tán, mỗi mảng màu riêng biệt, cô độc. Nhưng kết nối lại thư pháp này hé lộ cho ta lời nhắn đầy sức mạnh về điều chúng ta cần phải nghĩ trước khi đánh giá một ai đó. Ai muốn nhìn rõ ánh mặt trời cần lau sạch mắt trước. Cảm ơn. (vỗ tay)