Jenni Chang: Khi tôi nói bố mẹ rằng tôi đồng tính điều đầu tiên họ nói với tôi là, "Chúng ta sẽ đưa con quay trở về Đài Loan" (Tiếng cười) Trong suy nghĩ của họ, xu hướng tính dục của tôi là lỗi của nước Mỹ. Phương Tây đã làm hỏng tôi bằng những ý nghĩ lệch lạc và giá như bố mẹ tôi không bao giờ rời khỏi Đài Loan, điều này sẽ không xảy ra với con gái duy nhất của họ. Thực ra, tôi cũng đã tự hỏi liệu họ có nói đúng không. Tất nhiên, có người đồng tính ở châu Á, cũng như có người đồng tính ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng có phải cái ý tưởng sống một cuộc sống "công khai" kiểu "Tôi đồng tính, đây là chồng/vợ tôi và chúng tôi tự hào sống bên nhau" chỉ là một tư tưởng kiểu phương Tây? Nếu tôi lớn lên ở Đài Loan, hay bất cứ nơi nào bên ngoài phương Tây, liệu tôi có tìm thấy hình mẫu những người LGBT hạnh phúc, mạnh mẽ? Lisa Dazols: Tôi cũng từng nghĩ vậy Là một nhân viên xã hội HIV ở San Francisco, tôi gặp rất nhiều dân nhập cư đồng tính. Họ kể cho tôi nghe chuyện họ bị ngược đãi ở chính quê hương mình, chỉ vì họ đồng tính, và lý do vì sao họ bỏ trốn sang Mỹ. Tôi thấy được điều đó gây nản lòng thế nào Sau 10 năm làm công việc này, tôi cần những câu chuyện tốt hơn cho bản thân mình. Tôi biết thế giới không hề hoàn hảo, nhưng không phải chuyện đồng tính nào cũng bi kịch. JC: Là cặp đôi, 2 chúng tôi muốn tìm kiếm những câu chuyện đầy hy vọng. Nên chúng tôi đã lên đường với sứ mệnh vòng quanh thế giới và tìm đến những con người mà cuối cùng chúng tôi đặt tên là "Siêu Đồng Tính". (Tiếng cười) Đây sẽ là những cá nhân LGBT đang làm việc gì đó vô cùng lớn lao trên thế giới. Họ can đảm, luôn kiên cường, và quan trọng hơn cả, tự hào về chính bản thân họ. Họ chính là kiểu người mà tôi khao khát được trở thành. Kế hoạch của chúng tôi là chia sẻ câu chuyện của họ với thế giới qua phim. LD: Nhưng có một vấn đề. Chúng tôi không có bất cứ kinh nghiệm làm phóng sự và phim nào. (Tiếng cười) Thậm chí không biết người Siêu Đồng Tính ở đâu, vậy nên chúng tôi phải tin rằng sẽ tìm ra cách trên đường đi. Nên chúng tôi đã chọn 15 quốc gia ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, những quốc gia phía ngoài phương Tây với những quyền LGBT khác nhau. Chúng tôi mua 1 máy quay, đặt mua một cuốn sách dạy cách phim tài liệu (Tiếng cười) bạn có thể học được rất nhiều vào thời buổi này và bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới. JC: Một trong những đất nước đầu tiên chúng tôi đến là Nepal. Mặc cho đói nghèo khắp nơi, nội chiến kéo dài một thập kỉ, và gần đây, một trận động đất kinh hoàng, Nepal đã làm nên những tiến bộ rõ rệt trong cuộc đấu tranh cho sự công bằng. Một trong những nhân vật then chốt của phong trào này là Bhumika Shrestha. Một người phụ nữ chuyển giới đẹp, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, Bhumika đã phải vượt qua việc bị đuổi học và bị tống giam vì bài thuyết trình về giới tính của cô ấy. Tuy nhiên, năm 2007, Bhumika và tổ chức quyền LGBT của Nepal đã thành công trong việc đề xuất lên Tòa Án Tối Cao Nepali để phản đối chống lại sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT. Đây là Bhumika: (Phim) BS: Điều tôi tự hào nhất ư? Tôi là một người chuyển giới. Tôi rất tự hào về cuộc sống của mình. Vào ngày 21/12/2007, Tòa án Tối cao đã ra quyết định cho chính phủ Nepal cấp thẻ căn cước cho người chuyển giới và cho phép hôn nhân đồng giới. LD: Tôi rất cảm kích trước sự tự tin của Bhumika thường ngày. Một thứ đơn giản như sử dụng nhà vệ sinh công cộng có thể là một thách thức khi bạn thấy không phù hợp với sự kỳ vọng về giới tính khắt khe của mọi người. Đi khắp châu Á, tôi hay khiến cho những người phụ nữ hoảng hốt trong toilet Họ không quen với việc nhìn thấy 1 người như tôi. Tôi đã nghĩ ra một kế sách, để chỉ có thể đi tè một cách tự nhiên (Tiếng cười) Vậy nên mỗi lần vào nhà vệ sinh, Tôi thường ưỡn ngực ra để trưng ra những phần nữ tính của mình và cố tỏ ra ít đe dọa nhất có thể. Vẫy tay và nói, "Xin chào", chỉ để người ta có thể nghe giọng nói nữ tính của tôi. Những việc này khá nhọc nhằn nhưng đó chính là con người tôi. Tôi không thể là bất cứ thứ gì khác. JC: Sau Nepal, chúng tôi đến Ấn Độ. Một mặt thì, Ấn Độ là xã hội Hinđu giáo, không có truyền thống định kiến với người đồng tính. Mặt khác, đó cũng là một xã hội với chế độ phụ hệ sâu sắc, chối bỏ mọi thứ đe dọa trật tự nam-nữ. Trò chuyện với các nhà hoạt động họ kể rằng sự trao quyền bắt đầu bằng việc đảm bảo công bằng giới, nơi mà địa vị của phụ nữ được xác lập trong xã hội. Và theo cách đó, địa vị của những người LGBT cũng sẽ được khẳng định. LD: Ở đó chúng tôi gặp Hoàng tử Manvendra. Anh ấy là hoàng tử đồng tính công khai đầu tiên của thế giới. Hoàng tử đã công khai trong show "Oprah Winfrey," được trình chiếu toàn cầu. Cha mẹ anh chối bỏ anh, và buộc tội anh làm nhục nhã gia đình hoàng gia. Chúng tôi đã lắng nghe Hoàng tử và trò chuyện với anh về việc lý do anh quyết định công khai giới tính. Anh ấy nói rằng: (Phim) Hoàng tử Manvendra: Tôi cảm thấy rất cần phá bỏ sự sỉ nhục và kỳ thị đang tồn tại trong xã hội của chúng ta. Điều đó thôi thúc tôi công khai giới tính và nói về bản thân mình. Dù ta là đồng tính nam hay nữ, ta là người chuyển giới, hay song tính hay ta đến từ bất kỳ nhóm thiểu số giới tính nào, chúng ta phải cùng đoàn kết và đấu tranh cho quyền lợi của mình. Quyền của người đồng giới không thể chiến thắng trong tòa án, nhưng có thể trong tim và trí óc của mọi người. JC: Khi đi cắt tóc, người thợ cắt tóc đã hỏi tôi, "Cô có chồng không?" Đây là một câu hỏi đáng sợ mà tôi bị dân địa phương hỏi rất nhiều khi đi du lịch. Khi giải thích với bà ấy tôi ở bên 1 người phụ nữ thay vì 1 người đàn ông, bà ấy đã hoài nghi, và hỏi tôi rất nhiều về phản ứng của cha mẹ tôi và liệu tôi có buồn vì tôi sẽ không bao giờ có khả năng có con. Tôi nói với bà ấy không có giới hạn nào cho cuộc sống của tôi và rằng Lisa và tôi định sẽ lập gia đình một ngày nào đó. Tới đó, bà ấy đã như ngó lơ tôi và coi tôi như một người Tây điên rồ Bà ấy không thể tưởng tượng được điều đó lại có thể xảy ra ở chính đất nước mình. Cho đến khi tôi cho bà xem ảnh của những Siêu Đồng tính chúng tôi đã phỏng vấn ở Ấn Độ. Bà ấy nhận ra Hoàng tử Manvendra trên ti-vi không lâu sau tôi có khán giả là những người thợ cắt tóc khác hứng thú gặp gỡ tôi. (Tiếng cười) Và trong buổi chiều bình thường đó, tôi đã có cơ hội giới thiệu tới cả tiệm làm đẹp những thay đổi trong xã hội đang diễn ra ngay chính trên đất nước họ. LD: Từ Ấn Độ, chúng tôi đến Đông Phi, vùng được biết đến là không khoan dung đối với người LGBT. Ở Kenya, 89% số người nói ra giới tính thật của mình cho gia đình bị ruồng bỏ. Những hành vi đồng giới là tội ác và có thể dẫn tới bị tống giam. Ở Kenya, chúng tôi gặp David Kuria, một người với giọng nói nhẹ nhàng. David có một sứ mệnh lớn là khao khát hành động vì người nghèo và cải thiện chính phủ của chính mình. Vậy nên anh đã quyết định tranh cử vào thượng nghị viện. Anh ấy trở thành ứng cử viên chính trị đồng tính công khai đầu tiên của Kenya. David muốn điều hành chiến dịch mà không phải chối bỏ hiện thực mình là ai. Nhưng chúng tôi lo lắng cho sự an nguy của anh ấy bởi anh ấy bắt đầu nhận những lời đe dọa về cái chết. (Video) David Kuria: Lúc đó, tôi đã thực sự sợ hãi bởi vì họ đã thực sự yêu cầu tôi bị giết. Và, phải rồi, có một số người ngoài kia làm việc đó và họ cảm thấy như họ đang làm một nghĩa vụ tôn giáo. JC: David không xấu hổ về việc anh là ai. Thậm chí ngay cả khi đối mặt với sự đe dọa, anh ấy vẫn thành thật. LD: Ở phía đối lập là Argentina. Argentina là đất nước với 92% dân số được xác định là tín đồ Thiên chúa giáo. Ấy vậy mà, Argentina có bộ luật LGBT còn tiến bộ hơn so với ở đây - Hoa Kỳ. Năm 2010, Argentina trở thành quốc gia Mỹ La-tinh đầu tiên và thứ 10 trên thế giới thực hiện bình đẳng hôn nhân. Ở đó, chúng tôi gặp María Rachid. María là một động lực thúc đẩy đằng sau cuộc vận động đó. María Rachid (tiếng TBN): Tôi luôn nói rằng, trong thực tế, những tác động của bình đẳng hôn nhân không chỉ dành cho những cặp đôi sẽ kết hôn đó. mà còn dành cho nhiều người, ngay cả khi họ sẽ không bao giờ kết hôn, sẽ được nhìn nhận theo một cách khác bởi đồng nghiệp, gia đình và láng giềng của họ, từ thông điệp về sự bình đẳng của chính quyền nhà nước. Tôi cảm thấy rất tự hào về Argentina bởi Argentina ngày nay là một hình mẫu của sự bình đẳng. Và hi vọng không bao lâu nữa, cả thế giới sẽ có những quyền như nhau. JC: Khi chúng tôi ghé thăm vùng đất của tổ tiên tôi, tôi ước tôi có thể chỉ cho bố mẹ thấy chúng tôi đã tìm thấy gì ở đó. Bởi đây là những người chúng tôi đã gặp: (Video) Một, hai, ba. Chào mừng người đồng tính đến Thượng Hải. (Tiếng cười) Cả một cộng đồng LGBT Trung Quốc trẻ, xinh đẹp. Tất nhiên, họ đã đã phải vật lộn. Nhưng họ đã đấu tranh để giải quyết vấn đề. Ở Thượng Hải, tôi có cơ hội trò chuyện với một nhóm đồng tính nữ địa phương và kể họ nghe câu chuyện của chúng tôi, bằng Tiếng Trung Phổ Thông đứt đoạn. Ở Đài Bắc, mỗi lần chúng tôi lên tàu điện ngầm đều trông thấy một cặp đồng tính nữ khác đang nắm tay. Và chúng tôi biết được rằng sự kiện tự hào LGBT lớn nhất của châu Á diễn ra chỉ cách nơi ông bà tôi sống có mấy khu nhà. Giá như bố mẹ tôi biết điều đó. LD: Khi chúng tôi kết thúc hành trình không-thẳng-cho-lắm vòng quanh thế giới, (Tiếng cười) chúng tôi đã đi được 50,000 dặm và ghi lại 120 giờ dữ liệu ghi hình gốc. Chúng tôi đã đến 15 quốc gia và phỏng vấn 50 Siêu Đồng tính. Hóa ra, tìm được họ không khó chút nào. JC: Đúng vậy, vẫn có những bi kịch xảy đến trên con đường chông gai đến với sự bình đẳng. Và đừng bỏ qua 75 quốc gia ngày nay vẫn coi đồng giới là trái pháp luật. Nhưng cũng có những câu chuyện về niềm tin và sự can đảm ở mọi nơi trên thế giới. Điều cuối cùng chúng tôi thu được từ cuộc hành trình là, sự bình đẳng không phải là một phát minh của phương Tây. LD: Một nhân tố then chốt trong cuộc vận động bình đẳng giới là đà phát triển, thứ mà khi ngày càng nhiều người biết yêu quý chính bản thân họ và sử dụng bất cứ cơ hội nào họ có để thay đổi phần thế giới của họ, và thứ mà mà ngày càng nhiều quốc gia tìm được hình mẫu của sự công bằng ở một quốc gia khác. Khi Nepal chống lại sự kỳ thị LGBT, thì Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Khi Argentina ủng hộ bình đẳng hôn nhân, Uruguay và Brazil thực hiện theo. Khi Ireland nói đồng ý với bình đẳng, (Tiếng vỗ tay) cả thế giới dừng lại để chú ý. Khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đưa ra một lời tuyên bố với thế giới tất cả chúng ta có thể cùng tự hào. (Tiếng vỗ tay) JC: Khi chúng tôi xem lại dữ liệu gốc, điều chúng tôi nhận ra là chúng tôi đang theo dõi một câu chuyện tình yêu. Đó không phải là câu chuyện tình yêu được trông đợi ở tôi mà đó là câu chuyện chứa nhiều tự do, phiêu lưu và tình yêu hơn tôi có thể tưởng tượng được. Một năm sau khi trở về nhà từ chuyến đi, bình đẳng hôn nhân đến được California. Và cuối cùng, chúng tôi tin tưởng rằng, tình yêu sẽ chiến thắng tất cả. (Video) Bằng quyền lực trao cho tôi, bởi bang California và bởi Thượng Đế, ta tuyên bố hai con là vợ chồng mãi mãi Hai con có thể hôn. (Tiếng vỗ tay)