Tôi sống ở Washington, D.C. nhưng lớn lên ở Sindhekela, một ngôi làng ở Orissa, Ấn Độ. Cha tôi là nhân viên chính phủ. Mẹ tôi, tuy không biết đọc viết, nhưng bà thường nói với tôi: "Một nhà vua chỉ được tôn thờ trong vương quốc của ông ta. Một nhà thơ được tôn thờ ở khắp nơi." Vì thế, tôi muốn thành nhà thơ khi trưởng thành. Nhưng tôi suýt nữa đã không được học đại học. cho đến khi nhận được hỗ trợ tài chính từ cô tôi. Tôi đi học ở Sambalpur, thị trấn lớn nhất của vùng, nơi mà vào đến đại học rồi, tôi mới lần đầu nhìn thấy ti vi Tôi mơ được đến Mỹ để học cao học. Khi cơ hội đến, tôi vượt hai đại dương với số tiền mượn để mua vé máy bay và một tờ 20 đô trong túi. Ở Mỹ, tôi vừa làm bán thời gian ở một trung tâm nghiên cứu, vừa học các lớp cao học chuyên ngành kinh tế Với chút tiền kiếm được, một khoản, tôi tự chi trả cho bản thân và rồi gửi một khoản về cho em trai và bố. Câu chuyện của tôi không phải là duy nhất. Mỗi năm, có hàng triệu người di cư. Với sự giúp đỡ của gia đình, họ vượt đại dương họ băng qua sa mạc, sông suối, núi đồi. Họ liều mạng để thực hiện giấc mơ, và giấc mơ đó đơn giản là có một công việc tử tế ở đâu đó để có thể gửi tiền về nhà và giúp đỡ gia đình mình, những người đã giúp đỡ họ trước đó. Có khoảng 232 triệu người di cư trên toàn thế giới. Những người này sống ở đất nước không phải đất nước nơi họ đã sinh ra. Nếu những người di cư quốc tế tập hợp lại thành một đất nước, dân số nước đó sẽ lớn hơn cả Brazil. Đất nước đó sẽ có nền kinh tế lớn hơn cả Pháp. Khoảng 180 triệu người di cư quốc tế đến từ những nước nghèo và họ thường xuyên gửi tiền về nhà. Những khoản tiền đó được gọi là kiều hối. Sau đây là một thông tin có thể làm bạn bất ngờ: 413 tỉ Đô la là khoản kiều hối được gửi năm ngoái từ những người di cư về những nước đang phát triển. Người di cư đến từ những nước đang phát triển gửi tiền về những nước đang phát triển 413 tỷ Đô la. Một con số ấn tượng vì nó gấp 3 lần tổng số tiền viện trợ phát triển. Nhưng, các bạn và tôi, đồng nghiệp của tôi ở Washington, không ngừng tranh luận, thảo luận về viện trợ phát triển, trong khi lại bỏ qua kiếu hồi như một khoản tiền nhỏ lẻ. Đúng! Trung bình một người gửi về khoảng 200 Đô la mỗi tháng. Nhưng nếu được lặp lại hàng tháng, bởi hàng triệu người, những khoản tiền này có thể hình thành những dòng chảy ngoại tệ. Ấn Độ, năm qua, nhận được 72 tỉ Đô la kiều hối, nhiều hơn cả chỉ số xuất khẩu công nghệ thông tin. Ở Ai Cập, kiều hối nhiều gấp ba lần doanh thu từ kênh đào Suez. Tajikistan, kiều hối chiếm 42% GDP/ Và ở những nước nghèo hơn, nhỏ hơn, bất ổn, các nước bị ảnh hưởng xung đột, kiều hối là cứu sinh, như trường hợp của Somalia hay Haiti. Không ngạc nhiên khi dòng chảy kiều hối có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đến người nghèo. Kiều hối không phải như tiền đầu tư cá nhân, chúng không quay ngược trở lại khi một đất nước có dấu hiệu bất ổn. Chúng như một dạng bảo hiểm. Khi gia đình gặp vấn đề, phải đối mặt với khó khăn, kiều hối tăng lên, hoạt động như bảo hiểm. Người di cư sẽ gửi về nhiều tiền hơn. Không như tiền viện trợ phát triển luôn phải thông qua các cơ quan chính quyền, nhà nước, kiều hối được đưa trực tiếp đến người nghèo, đến gia đình, và thường kèm theo lời tư vấn kinh doanh. Chẳng hạn ở Nepal, tỉ lệ người nghèo chiếm đến 42% vào năm 1995. Đến 2005, một thập kỉ sau đó, tỉ lệ người nghèo dựa trên dân số, thời kì khủng hoảng chính trị - kinh tế, giảm xuống còn 31%. Phần lớn trong số đó một nửa sự sụt giảm, được tin là nhờ có kiều hối đến từ Ấn Độ, một đất nước nghèo khác. Ở El Salvador, những gia đình nhận được kiều hối có tỉ lệ trẻ em bỏ học thấp hơn. Ở Mexico và Sri Lanka, cân nặng lúc sinh của trẻ em cao hơn ở những gia đình nhận được kiều hối. Kiều hối là những đồng tiền được bọc trong sự quan tâm. Người di cư gửi tiền về nhà để mua thứ ăn, nhu yếu phẩm, để xây nhà, để hỗ trợ giáo dục, để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người già, để đầu tư kinh doanh cho bạn bè và gia đình. Người di cư còn gửi nhiều tiền về nhà hơn vào những dịp đặc biệt như phẫu thuật hay đám cưới. Và người di cư cũng gửi tiền, có thể là nhiều lần, cho những tang lễ đột ngột mà họ không thể tham dự. Bên cạnh nhiều điều tốt đẹp mà kiều hối mang lại, còn có những rào chắn ngăn cản sự lưu chuyển này, những lưu chuyển trị giá 400 tỉ Đô la. Hầu hết các rào cản này là chi phí cắt cổ của việc gửi tiền về nhà. Những công ty chuyển tiền định mức phí để bóc lột người nghèo. Họ sẽ nói: Nếu muốn gửi tối đa là 500 Đô la, chúng tôi sẽ tính bạn phí cố định là 30 Đô la một lần gửi. Nếu bạn nghèo và chỉ có 200 Đô la để gửi, bạn phải trả 30 Đô la phí. Chi phí trung bình toàn cầu của việc gửi tiền là 8%. Nghĩa là nếu bạn gửi về 100 Đô la, gia đình bạn sẽ chỉ nhận được 92 Đô. Để gửi tiền về Châu Phi, chi phí còn đắt hơn nhiều: 12% Gửi tiền trong phạm vi Châu Phi còn đắt hơn: hơn 20%. Ví dụ bạn gửi tiền từ Benin đến Nigeria. Và rồi trường hợp của Venezuela, vì có sự kiểm soát ngoại hối, bạn gửi đi 100 Đô la và nếu gia đình bạn nhận được đến 10 Đô nghĩa là bạn đã rất may mắn rồi. Dĩ nhiên, không ai gửi tiền đến Venezuela bằng cách thức hợp pháp. Tiền sẽ luôn được bỏ vào vali. Nơi nào chi phí cao, tiền sẽ đi bằng cửa ngầm. Điều tệ hơn là rất nhiều nước đang phát triển phát lệnh cấm gửi tiền ra khỏi đất nước. Rất nhiều nước giàu cũng phát lệnh cấm gửi tiền đến một số nơi nhất định. Thế thì, có phải là không có cách nào, không còn lựa chọn nào tốt hơn, rẻ hơn, để gửi tiền? Có chứ. M-Pesa ở Kenya cho phép người ta gửi và nhận tiền với mức phí cố định chỉ 60 cent cho mỗi lần giao dịch. Liên đoàn Hoa Kỳ lập nên một chương trình với Mexico cho phép các công ty dịch vụ tiền gửi gửi tiền đến Mexico với chi phí cố định chỉ 67 cent cho mỗi giao dịch. Thế nhưng, những lựa chọn nhanh hơn, rẻ hơn như thế này không thể được áp dụng toàn cầu vì vấn nạn rửa tiền, cho dù có rất ít dữ liệu chứng minh liên hệ giữa vấn nạn rửa tiền và giao dịch kiều hối. Hiện nay, nhiều ngân hàng quốc tế rất thận trọng lưu trữ tài khoản ngân hàng của những doanh nghiệp dịch vụ tiền tệ, đặc biệt là những doanh nghiệp giao dịch với Somalia. Somalia, một đất nước mà thu nhập bình quân chỉ 250 Đô la mỗi năm. Bình quân kiều hối hàng tháng đến Somalia lớn hơn khoản thu nhập bình quân đấy. Kiều hối là huyết mạch của Somalia. Thế mà, đây là một ví dụ của việc một bên cung cấp rất nhiều viện trợ, trong khi bên còn lại đang cắt đi huyết mạch kinh tế đó thông qua các quy định. Rồi trường hợp của những người ở làng nghèo, như tôi. Tại đó, nơi duy nhất mà bạn có thể được nhận tiền là bưu điện. Hầu hết chính phủ trên thế giới đã cho phép các bưu điện hình thành quan hệ đối tác độc quyền với các công ty chuyển tiền. Cho nên, nếu muốn chuyển tiền cho bố tôi ở làng, tôi phải gửi tiền qua một công ty chuyển tiền nhất định, dù chi phí rất cao. Tôi không thể sử dụng cách thức rẻ hơn. Cần phải dừng ngay điều này lại. Vậy thì các tổ chức quốc tế, các doanh nhân xã hội có thể làm gì để giảm chi phí gửi tiền về nhà? Thứ nhất, nới lỏng quy định cho các khoản kiều hối nhỏ, dưới 1.000 Đô la. Chính phủ phải nhận ra rằng các khoản kiếu hồi nhỏ không phải là rửa tiền. Thứ hai, bãi bỏ quan hệ đối tác độc quyền giữa các bưu điện và các công ty chuyển tiền. Cũng vấn đề đấy, giữa bưu điện và bất kì hệ thống ngân hàng quốc gia nào có một mạng lưới rộng lớn phục vụ người nghèo. Thay vào đó, nên khuyến khích cạnh tranh, mở rộng quan hệ đối tác để có thể hạ thấp chi phí như chúng ta đã làm, như cách họ đã làm trong ngành công nghiệp viễn thông. Bạn đã thấy điều gì đã xảy ra. Thứ 3, các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận lớn nên tạo ra nền tảng kiều hối trên cơ sở phi lợi nhuận phục vụ cho các công ty chuyển tiền để họ có thể gửi tiền về với chi phí thấp mà vẫn tuân thủ các quy định phức tạp trên thế giới. Các cộng đồng phát triển nên đặt mục tiêu trong việc cắt giảm phí kiều hối từ 8% xuống còn 1%. Nếu giảm chi phí xuống còn 1%, nó sẽ nhả ra một khoản tiết kiệm là 30 tỉ Đô la mỗi năm. 30 tỉ Đô la, số tiền này lớn hơn toàn bộ ngân sách viện trợ song phương hàng năm đến Châu Phi. Lớn hơn, hoặc gần bằng toàn bộ ngân sách viện trợ của chính phủ Mỹ, nhà viện trợ lớn nhất trên hành tinh. Thật ra, khoản tiết kiệm này còn lớn hơn 30 tỉ Đô la vì kiều hối cũng được sử dụng cho mục đích viện trợ, thương mại, đầu tư. Một cản trở khác cho sự lưu chuyển kiều hối đến các gia đình là chi phí cò mồi cắt cổ và phi pháp trong tuyển dụng, chi phí mà người di cư phải trả cho những người giúp họ kiếm việc. Tôi từng đến Dubai một vài năm trước. Tôi đến thăm một trại công nhân. Lúc đó là 8 giờ tối, trời tối, nóng và ẩm. Công nhân trở về trại sau ngày làm việc vất vả, và rồi tôi bắt chuyện với một công nhân xây dựng người Bangladesh. Ông ấy bận tâm về việc chuyển tiền về nhà, ông ấy đã chuyển tiền về nhà được vài tháng, và số tiền đó chủ yếu về tay trung tâm tuyển dụng lao động những người đã giới thiệu cho ông ấy công việc đó. Và trong tâm trí, tôi có thể hình dung ra cảnh người vợ chờ đợi số tiền kiều hối hàng tháng trời. Kiều hối đến. Cô ấy lấy số tiền đó và đưa lại cho đại lý tuyển dụng, trước con mắt khát khao của con mình. Cần phải chấm dứt điều này. Không phải chỉ riêng những công nhân xây dựng từ Bangladesh, mà là tất cả công nhân. Hàng triệu công nhân di cư gặp phải vấn đề này. Một công nhân xây dựng từ Bangladesh, trung bình trả khoảng 4000 Đô la cho phí tuyển dụng cho một công việc mà ông ấy chỉ kiếm được khoảng 2000 Đô la mỗi năm. Điều đó có nghĩa là trong vòng 2-3 năm ông ấy đơn giản là gửi tiền về để trả phí tuyển dụng. Gia đình ông ấy không nhận được một xu. Không chỉ ở Dubai, đó là góc khuất nở mọi thành phố lớn trên thế giới. Không chỉ có công nhân xây dựng Bangladesh, mà là công nhân trên khắp thế giới. Không chỉ đàn ông. Phụ nữ đặc biệt dễ bị lợi dụng bởi các hành vi tuyển dụng sai trái Một trong những điều thú vị nhất và mới nhất trong lĩnh vực kiều hối là làm cách nào huy động, thông qua đổi mới, cộng đồng hải ngoại tiết kiệm và cho đi. Người di cư gửi tiền về nhà, nhưng cũng tiết kiệm một khoản lớn ở nơi mà họ sống. Hàng năm, tiết kiệm của người di cư được ước tính vào khoảng 500 tỷ Đô la. Phần lớn nằm yên trong các tài khoản ngân hàng có 0% lợi tức. Nếu một đất nước cho đãi ngộ 3% hay 4% lợi tức, và nói số tiền đó sẽ được sử dụng để xây trường học đường xá, sân bay, trạm xe lửa, tại quê hương của người di cư, sẽ có rất nhiều người sẵn lòng chấp thuận vì bên cạnh lợi ích tài chính, điều đó còn cho họ cơ hội tham gia và giúp phát triển đất nước. Các dòng kiều hối có thể được dùng để bán trái phiếu cho người di cư vì lúc họ chuyển tiền hàng tháng về nhà, cũng là lúc bạn có thể thật sự bán trái phiếu cho họ. Cũng có thể làm điều tương tự để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại. Tôi rất muốn đầu tư vào một hệ thống xe lửa cao tốc ở Ấn Độ và rất muốn đóng góp vào nỗ lực chống bệnh sốt rét ở làng mình. Kiều hối là một cách tuyệt vời để chia sẻ sự thịnh vượng giữa các nơi, hướng đến mục tiêu lợi ích cho những người cần chúng nhất. Kiều hối trao quyền đó cho tất cả chúng ta. Cần phải làm mọi cách để thúc đẩy kiều hối và tuyển dụng an toàn hơn, rẻ hơn. Và nó có thể thực hiện được. Về bản thân tôi, tôi đã xa Ấn Độ được 2 thập kỷ. Vợ tôi là người Venezuela. Các con tôi là người Mỹ. Càng ngày, tôi càng cảm thấy mình là một công dân toàn cầu. Cùng lúc đó, ngày càng hoài cổ về mảnh đất nơi tôi sinh ra. Tôi muốn cùng lúc được ở Ấn Độ và Mỹ. Cha mẹ tôi không còn ở đó nữa. Anh chị em tôi đã chuyển đi nơi khác. Tôi không phải khẩn cấp gửi tiền về nhà. Thế nhưng, theo thời gian, tôi gửi tiền về cho bạn bè tôi, cho họ hàng, cho ngôi làng của mình, để được ở đó, để tham gia hỗ trợ - một phần bản sắc của tôi. Và tôi vẫn đang phấn đấu để trở thành một nhà thơ cho những người di dân cần mẫn và cho cuộc đấu tranh thoát khỏi đói nghèo của họ. Xin cám ơn. (vỗ tay)