Sao phải bận tâm? Mọi thứ đã được sắp đặt. Phiếu của tôi sẽ không giá trị đâu. Các lựa chọn thật tệ. Bầu cử chỉ dành cho kẻ ngốc thôi. Có lẽ bạn đã từng có những suy nghĩ như vậy. Có lẽ bạn thậm chí đã nói những điều đó. Và nếu đúng, không phải chỉ mình bạn làm vậy, và bạn cũng không hoàn toàn sai. Ván bài chính sách công ngày nay đã bị gian lận rất nhiều. Còn cách nào khác mà hơn nửa số trường hợp giảm thuế liên bang đều dành cho những người giàu nhất chiếm 5% dân số Mỹ? Và quả thực quyền lựa chọn của chúng ta thường là rất tệ. Đối với rất nhiều người trong phổ chính trị, Ví Dụ A là cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nhưng vào bất cứ năm nào, bạn có thể nhìn lá phiếu một lượt từ trên xuống và thấy rất nhiều điều không gây cảm hứng chút nào. Nhưng dù có những điều này, tôi vẫn tin việc bầu cử có quan trọng. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi tin chúng ta có thể khơi lại niềm vui của việc bầu cử. Hôm nay, tôi muốn nói về việc ta có thể làm điều đó thế nào, và vì sao. Đã từng có một thời kỳ trong lịch sử Mỹ, việc bầu cử rất vui, khi nó không chỉ đơn giản là nghĩa vụ phải có mặt tại nơi bầu cử. Thời kỳ đó được gọi là "phần lớn lịch sử Mỹ." (Cười) Từ Cuộc Cách Mạng tới Kỷ Nguyên Quyền Công Dân, Hoa Kỳ đã có một văn hóa bầu cử sôi nổi, tạo cơ hội cho các cá nhân tham gia tích cực, và ồn ào. Đó là biểu diễn đường phố, tranh biện ngoài trời, phong tục nhịn ăn, hay tiệc tùng, diễu hành, và những đêm đốt lửa, pháo hoa. Vào thế kỉ 19, dân di cư và các bộ máy chính trị thành phố đã giúp duy trì văn hóa bầu cử này. Văn hóa đó đã lớn mạnh dần với liên tiếp các làn sóng người bầu cử mới. Trong thời kỳ Tái Thiết, khi những cử tri Mỹ gốc Phi mới, những cư dân Mỹ gốc Phi mới, bắt đầu tận dụng quyền của họ, họ ăn mừng trong các buổi diễu hành kỷ niệm dịp đặc biệt đã liên kết sự giải phóng với quyền được bầu cử mới được thiết lập. Vài thập kỷ sau, những người phụ nữ đòi quyền bầu cử đã mang tinh thần đầy tính kịch vào cuộc đấu tranh của họ, với việc mặc đồ trắng cùng nhau diễu hành để đấu tranh cho đặc quyền của mình. Và Phong Trào Quyền Công Dân, với nỗ lực thực hiện lời hứa về quyền bình đẳng công dân đã từng bị tước bỏ do luật kỳ thị màu da Jim Crow, đã đặt quyền bầu cử làm trung tâm. Từ Mùa Hè Tự Do tới cuộc diễu hành ở thành phố Selma, thế hệ các nhà hoạt động xã hội biết rằng quyền bầu cử rất quan trọng, biết rằng cảnh tượng và việc thực hiện quyền lực chính là cách để thực sự nắm được quyền lực. Nhưng đã hơn 50 năm kể từ khi Selma và Đạo Luật về Quyền Bầu Cử, và nhiều thập kỉ kể từ đó, văn hóa bầu cử trực tiếp này gần như là biến mất. Nó đã bị giết chết bởi truyền hình và mạng internet. Chiếc đi-văng đã thay thế cho những khu vực cộng đồng. Màn hình đã biến người dân thành khán giả. Mặc dù chia sẻ hình ảnh hài hước về chính trị trên truyền thông là việc khá thú vị, nhưng đó lại là kiểu tư cách công dân khá yên lặng. Đó là thứ mà nhà xã hội học Sherry Turkle gọi là "ở một mình cùng nhau." Điều chúng ta cần hiện nay là một văn hóa bầu cử với việc cùng nhau ở cùng nhau, trực tiếp xuất hiện, bằng những cách ồn ào và đầy nhiệt huyết, để thay bằng việc "hãy có trách nhiệm đi" hay "thực hiện nghĩa vụ của bạn," việc bầu cử sẽ tạo cảm giác như là "tham gia câu lạc bộ" hoặc hay hơn là, "tham dự bữa tiệc." Thử tưởng tượng hiện nay trên khắp đất nước, ở các địa phương nhưng trên toàn đất nước, nếu chúng ta phối hợp nỗ lực để khơi lại các cách tham gia và vận động bầu cử trực tiếp: các chương trình ngoài trời với các ứng cử viên và mục tiêu của họ bị chế nhạo hay ca ngợi theo kiểu đầy châm biếm; các bài phát biểu ngoài trời bởi các cư dân; các buổi tranh biện tổ chức trong các quán rượu; các con phố với nghệ thuật chính trị, áp phích và tranh tường thủ công; cuộc đấu giữa các ban nhạc biểu diễn với các nghệ sĩ đại diện cho ứng cử viên của họ. Toàn bộ những điều này nghe có vẻ hơi giống thế kỉ 18, nhưng thực ra, nó không cần phải giống thế kỉ 18 hơn vở nhạc kịch Broadway "Hamilton" chẳng hạn ý tôi muốn nói về sự đương đại sôi nổi. Và sự thật là ngày nay, trên khắp thế giới, hàng triệu người đang bầu cử như vậy. Ở Ấn Độ, những cuộc bầu cử thì đầy màu sắc và được tổ chức nơi công cộng. Ở Brazil, ngày bầu cử mang lại không khí hội hè và lễ hội hóa trang. Ở Đài Loan và Hồng Kông, bầu cử đi kèm quang cảnh vô cùng ấn tượng và bắt mắt của các buổi biển diễn đường phố. Bạn có thể sẽ hỏi, ở đây tại Mỹ, ai có thời gian cho những thứ như thế? Và tôi sẽ cho bạn biết rằng trung bình một người Mỹ dành 5 tiếng xem TV mỗi ngày. Bạn có thể sẽ hỏi, ai có động lực chứ? Và tôi cho bạn biết, bất cứ công dân nào muốn được nhìn thấy và lắng nghe không phải như một trụ cột, hay đề tài gây tranh cãi, mà với tư cách người tham dự, sáng tạo. Vậy chúng ta làm điều đó thế nào? Đơn giản bằng việc khiến nó diễn ra. Đây là lý do tôi và nhóm đồng nghiệp khởi động dự án mang tên "Niềm vui Bầu cử." Tại bốn thành phố của Hoa Kỳ -- Philadelphia, Miami, Akron, Ohio, và Witchita, tiểu bang Kansas -- chúng tôi đã tập hợp các nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội, nhà giáo, chính trị gia, hàng xóm, cư dân, để cùng nhau tạo nên các dự án có thể khích lệ văn hóa bầu cử ở các địa phương. Ở Miami, đó có nghĩa là tiệc thâu đêm đầy sôi động với DJ và cách duy nhất để tham dự tiệc là chứng tỏ mình đã đăng ký bầu cử. Ở Akron thì lại là các vở kịch chính trị biểu diễn trên sàn xe tải sàn phẳng di chuyển qua nhiều khu dân cư. Ở Philadelphia, đó là cuộc truy tìm khó báu chủ đề bầu cử xung quanh thị trấn thuộc địa cổ. Và ở Wichita lại có nghệ thuật graffiti và tổng hợp các bản nhạc từ nhiều nghệ sĩ tại khu vực North End để kêu gọi mọi người đi bầu cử. Có 20 dự án kiểu này, tất cả đều vô cùng đẹp và đa dạng, và đang thay đổi mọi người. Để tôi kể bạn nghe về hai trong số chúng. Ở Miami, chúng tôi đã ủy thác một nghệ sĩ trẻ tên Atomico, để sáng tạo các hình ảnh sống động, sôi nổi cho seri hình dán "Tôi bầu cử" mới. Nhưng vấn đề là, Atomico chưa bao giờ bầu cử. Anh ấy thậm chí còn chưa đăng ký. Vậy nên khi anh bắt đầu tạo nên tác phẩm nghệ thuật là các hình dán này, anh cũng bắt đầu bỏ đi cảm giác bị đe dọa bởi chính trị. Bản thân anh đã đi đăng ký, và rồi anh tìm hiểu thông tin về cuộc bầu cử chính sắp diễn ra, và vào ngày bầu cử, anh đến không chỉ để phát hình dán, mà còn trò chuyện với những người đi bỏ phiếu khác và khuyến khích mọi người bầu cử, và nói về cuộc bầu cử với những người đi ngang qua. Tại Akron, một công ty kịch mang tên Wandering Aesthetics đã dựng những vở kịch diễn ra trên xe tải như vậy. Và để làm việc đó, họ đã kêu gọi mọi người gửi đến các bài diễn thuyết, độc thoại, đối thoại, thơ ca, trích đoạn của bất cứ thứ gì có thể đọc to lên và kết nối chúng thành một màn trình diễn. Họ đã nhận được hành tá bài gửi. Mộ trong số đó là bài thơ được viết bởi chín học viên trong một lớp học tiếng Anh, tất cả trong số đó là lao động di cư gốc Mỹ Latinh từ làng Hartville, bang Ohio ở gần đó. Tôi muốn đọc các bạn nghe một đoạn bài thơ này. Nó mang tên "Niềm vui Bầu cử." "Tôi muốn được đi bầu cử lần đầu vì mọi thứ đã đổi thay với người gốc Mỹ Latinh. Tôi đã từng sợ hãi ma quỷ. Giờ tôi lại sợ hãi loài người. Có ngày càng nhiều bạo lực và phân biệt chủng tộc. Bầu cử có thể thay đổi điều này. Bức tưởng biên giới chẳng là gì cả. Nó chỉ là bức tường thôi. Bức tường hổ thẹn là thứ gì đó. Bầu cử là vô cùng quan trọng để chúng ta có thể phá bỏ bức tường hổ thẹn này. Tôi có niềm đam mê trong tim. Bầu cử cho tôi tiếng nói và sức mạnh. Tôi có thể đứng lên và làm điều gì đó." Dự án "Niềm vui Bầu cử" không phải chỉ về niềm vui. Đó là về sự đam mê này. Đó là về cảm xúc và niềm tin này, và nó không phải chỉ là nhiệm vụ của tổ chức chúng tôi. Hiện nay trên toàn đất nước, người di cư, người trẻ, cựu chiến binh, những con người từ những nền tảng khác nhau đang cùng nhau tạo nên hoạt động đầy đam mê và vui vẻ này quanh các cuộc bầu cử, trong các bang đỏ và xanh, trong các cộng đồng nông thôn và thành phố, những người từ mọi nền tảng chính trị. Điểm chung giữa họ đơn giản là: công việc của họ bắt nguồn từ nơi họ sống. Bởi hãy nhớ rằng, mọi quyền công dân đều thuộc địa phương. Khi chính trị chỉ là một cuộc bầu cử tổng thống, chúng ta la ó và hét vào màn hình, rồi suy sụp và kiệt sức. Nhưng khi chính trị là về chúng ta và hàng xóm chúng ta và những người trong cộng đồng ta cùng nhau tạo nên những trải nghiệm của tập hợp các tiếng nói và trí tưởng tượng, chúng ta mới bắt đầu nhớ ra rằng việc này có ý nghĩa quan trọng. Chúng ta bắt đầu nhớ ra rằng đây là việc của chính quyền tự trị. Điều làm tôi trở về câu hỏi đầu tiên tôi đã nêu ra. Sao phải bận tâm? Có một cách để trả lời câu hỏi này. Bầu cử quan trọng vì nó là một cử chỉ mang lại hạnh phúc và thể hiện niềm tin. Nó khơi dậy cái tinh thần chung làm mọi xã hội phát triển. Khi chúng ta bầu cử, ngay cả trong tức giận, chúng ta đã góp phần vào một lựa chọn chung đầy sáng tạo. Việc bầu cử giúp chúng ta có được quyền lực chúng ta hằng mong ước. Không có gì lạ khi xã hội dân chủ và nghệ thuật kịch hát phát triển cùng một thời gian ở Hy Lạp cổ đại. Cả hai đều kéo những cá nhân ra khỏi vỏ bọc của cái tôi riêng tư của họ. Cả hai đều tạo ra những trải nghiệm cộng đồng tuyệt vời trong những khoảnh khắc được sẻ chia. Cả hai đều khơi dậy trí tưởng tượng và nhắc nhở chúng ta rằng cuối cùng, mọi liên kết giữa chúng ta đều là tưởng tượng, và có thể được tưởng tượng lại. Khoảnh khắc này, khi mà chúng ta nghĩ về ý nghĩa của sự tưởng tượng, quan trọng một cách cốt lõi, và khả năng của chúng ta để tiếp nhận tinh thần đó, và để hiểu ra rằng có một cái gì đó lớn lao hơn ngoài kia, không chỉ là vấn đề của sự hiểu biết đơn thuần. Đó không chỉ là vấn đề về thời gian hay về kiến thức. Đó là vấn đề về tinh thần. Nhưng hay để tôi trả lời cho bạn câu hỏi, "Sao phải bận tâm?" theo một cách đỡ trừu tượng và có phần rõ ràng hơn. Tại sao phải quan tấm đến bầu cử? Vì không có chuyện không bầu cử. Không bỏ phiếu cũng là bầu cử, cho tất cả những gì bạn căm ghét và phản đối. Việc không bỏ phiếu có thể được tô vẽ như một hành động phản đối quy tắc và thụ động, nhưng thực tế không bỏ phiếu là đang chủ động trao quyền lực cho những kẻ suy nghĩ đi ngược lại với bạn, và những kẻ hạnh phúc khi thấy bạn bỏ đi. Việc không bầu cử là dành cho những kẻ khốn nạn. Thử tưởng tượng đất nước này sẽ đi đâu nếu những người phe bảo thủ năm 2010 quyết định rằng, bạn biết đó, chính trị quá là rắc rối, bầu cử quá là phức tạp. Phiếu bầu của chúng ta sẽ không thể hiện cái gì đâu. Họ đã không im lặng mà chống đối. Họ đứng dậy, và trong khi đứng dậy, họ đã thay đổi nền chính trị của nước Mỹ. Thử tưởng tượng nếu những người ủng hộ Donald Trump và Bernie Sanders quyết định không làm đảo lộn tình hình chính trị và thổi bay khuôn phép trước đây của chính trị Mỹ. Họ đã làm điều đó bằng cách bầu cử. Chúng ta đang sống trong một thời đại, bị chia rẽ, thường rất tối tăm, khi ở mọi nơi, người ta luôn nói về cách mạng và sự cần thiết của cách mạng để xoay chuyển nền dân chủ hiện tại. Vậy, đây là vấn đề: nền dân chủ hiện tại đã cho chúng ta hướng dẫn cách mạng rồi. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, cử tri trẻ, cử tri Mỹ Latin, cử tri gốc Á, cử tri có thu nhập thấp, đều có tỉ lệ đi bỏ phiếu thấp hơn 50 phần trăm. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì năm 2014, tỉ lệ là 36 phần trăm, thấp nhất trong 70 năm. Và trong cuộc bầu cử tại địa phương của bạn, tỉ lệ đi bầu là xấp xỉ 20 phần trăm. Tôi muốn bạn tưởng tượng nếu nó là 100 phần trăm. Hãy tưởng tượng 100 phần trăm. Huy động 100 phần trăm đi bầu, và thật nhanh chóng, chúng ta có cách mạng. Thật nhanh chóng, ưu tiên chính sách của đất nước thay đổi một cách ngoạn mục, và các cấp chính phủ trở nên sâu sát hơn một cách bất thường với mọi người dân. Vậy cần những gì để huy động 100 phần trăm? Chà, chúng ta cần chống lại những nỗ lực đang diễn ra ngay bây giờ trên khắp đất nước để làm việc bầu cử trở nên khó khăn hơn. Nhưng cùng lúc, chúng ta phải liên tục tạo ra một văn hóa bầu cử tích cực mà người dân muốn thuộc về, tham gia, và cùng nhau trải nghiệm. Chúng ta phải tạo ra mục đích. Chúng ta phải tạo ra niềm vui. Nên vâng, hãy làm nên cách mạng, một cuộc cách mạng của tinh thần, của ý tưởng, của chính sách và quyền được tham gia, một cuộc cách mạng chống lại sự ích kỉ, một cuộc cách mạng chống lại cảm giác bất lưc làm người ta thỏa mãn. Hãy cùng bầu cử và làm nên cách mạng, và trong khi làm điều đó, hãy cùng vui vẻ. Cảm ơn các bạn rất nhiều. (Vỗ tay)