Tôi là đầu bếp và là nhà nghiên cứu chính sách thực phẩm. Nhưng tôi đến từ gia đình có truyền thống làm giáo viên. Chị gái tôi là một giáo viên đặc biệt ở Chicago. Bố tôi vừa nghỉ hưu sau 25 năm làm giáo viên lớp năm. Dì và chú tôi là những giáo sư. Anh chị em tôi đều là giáo viên. Các thành viên trong gia đình đều dạy học, trừ tôi. Họ dạy tôi cách duy nhất để có được câu trả lời đúng là hỏi đúng câu hỏi. Vậy thế nào là câu hỏi đúng khi nói đến việc cải thiện kết quả của giáo dục cho trẻ em? Rõ ràng có quá nhiều câu hỏi quan trọng nhưng tôi nghĩ ta có thể bắt đầu với điều sau: Chúng ta nghĩ mối liên hệ giữa tinh thần và thể chất của một đứa trẻ là gì? Chúng ta mong đợi chúng học được gì nếu như chế độ ăn của chúng nhiều đường và thiếu dinh dưỡng? Chúng có thể học được gì nếu cơ thể chúng bị đói? Và với tất cả nguồn lực chúng ta đổ vào các trường học hãy nên ngừng lại và tự hỏi xem: Chúng ta đã thực sự chuẩn bị cho trẻ thành công chưa? Vài năm về trước, Tôi làm giám khảo cho một cuộc thi nấu ăn mang tên "Chopped" Bốn đầu bếp tham gia thử thách với những nguyên liệu bí ẩn xem ai có thể nấu được món ngon nhất. Ngoại trừ tập phim này - nó là một tập rất đặc biệt Thay vì bốn đầu bếp hăng hái cố gắng len vào ánh đèn sân khấu... việc tôi chẳng hề biết một tí gì... (Cười) Những người này là đầu bếp ở trường. Bạn biết đấy, những người phụ nữ bạn hay gọi 'quý cô bữa trưa", nhưng tôi nhấn mạnh, chúng ta gọi là "cô nấu bếp". Những người phụ nữ này, Chúa phù hộ họ dành cả ngày để nấu ăn cho hàng ngàn đứa trẻ bữa sáng và trưa, với chỉ 2,68 đô mỗi bữa mà chỉ khoảng 1 đô trong đó là tiền thực phẩm. Trong tập ấy, nguyên liệu bí ẩn là hạt diêm mạch. Tôi biết đã lâu rồi các bạn chưa ăn trưa ở trường, và chúng ta đã thực hiện rất nhiều cải cách về dinh dưỡng, nhưng diêm mạch vẫn chưa phải nguyên liệu chính ở các căn tin trường. (Cười) Vì vậy đây là một thử thách. Nhưng món mà tôi không bao giờ quên được nấu bởi 1 người phụ nữ có tên Cheryl Barbara Cheryl là giám đốc dinh dưỡng tại trường Trung học Cộng đồng tại Connecticut. Cô ấy nấu món mì ống ngon tuyệt. Thật kinh ngạc. Đó là món mỳ pappardelle với xúc xích Ý, cải xoăn, phô mai Parmesan. Nó ngon như nhà hàng vậy, ngoại trừ việc cô ấy chỉ đổ hạt diêm mạch, chưa chín, ra đĩa. Đó là một công thức kì lạ, và nó vô cùng giòn. (Cười) Tôi nhận vai một giám khảo khó tính và hỏi tại sao cô làm vậy. Cheryl trả lời: "Thứ nhất, tôi không biết diêm mạch là gì" (Cười) "Nhưng tôi biết vào thứ hai, tại trường tôi, trường cấp 3 Cộng đồng, tôi luôn làm món mỳ Ý." Cheryl giải thích rằng có những học sinh không được ăn bữa nào vào cuối tuần. Không ăn vào thứ bảy. Chủ nhật cũng không có bữa ăn nào. Nên cô nấu mỳ Ý vì cô muốn đảm bảo mình nấu món mà bọn trẻ sẽ ăn. ''Thứ sẽ dính vào dạ dày chúng'', cô nói. ''Thứ sẽ giúp chúng no bụng'.' Cheryl còn nói về việc khi thứ hai bắt đầu, bọn trẻ đói đến mức không thể nghĩ đến việc học hành. Thức ăn là thứ duy nhất mà chúng nghĩ đến. Thứ duy nhất. Và thật không may, các thống kê cho thấy điều tương tự. Bây giờ thử đặt vào vị trí của một đứa trẻ. Chúng ta sẽ tập trung vào bữa ăn quan trọng nhất, bữa sáng. Hãy gặp Allison. Cô bé 12 tuổi, thông minh lanh lợi. Khi lớn lên cô bé muốn trở thành nhà vật lý học. Nếu Allison học tại một trường cung cấp bữa sáng đủ chất cho học sinh, những điều sau sẽ xảy ra. Cơ hội cô bé có một bữa ăn đủ chất bao gồm hoa quả và sữa, ít đường, sẽ tăng đáng kể. Allison sẽ ít có nguy cơ bị tiểu đường so với các bạn. Cô bé ít phải đến phòng y tế hơn. Cô bé sẽ khó mắc lo âu và trầm cảm hơn. Cô bé sẽ ngoan ngoãn hơn. Đi học đúng giờ và đầy đủ hơn. Tại sao? Bởi vì ở trường có một bữa ăn ngon lành đang đợi. Nói chung, Allison có sức khỏe tốt hơn so với những trẻ khác. Thế còn đứa trẻ không có bữa sáng đủ chất tại trường? Hãy cùng gặp Tommy. Cậu cũng 12 tuổi và là một đứa trẻ tuyệt vời. Cậu muốn trở thành bác sĩ. Khi còn học mẫu giáo, Tommy đã không học tốt Toán. Khi cậu lên lớp ba, điểm đọc và toán của cậu ngày càng kém. Khi cậu 11 tuổi, khả năng cao là cậu sẽ bị ở lại lớp. Nghiên cứu cho thấy trẻ em không được cung cấp đủ chất, đặc biệt vào bữa sáng, nhìn chung có khả năng nhận thức kém hơn. Vậy vấn đề này có phổ biến không? Thật không may là có. Để tôi cho bạn 2 con số nghe qua thì có vẻ trái ngược nhưng thực chất là hai mặt của cùng một vấn đề. Một mặt, 1 trong 6 người Mỹ thiếu an ninh lương thực bao gồm 16 triệu trẻ em, gần 20%. Chỉ trong thành phố New York, 474,000 trẻ em dưới 18 tuổi đối diện với nạn đói mỗi năm. Thật điên rồ. Mặt khác, chế độ ăn và dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu cho các bệnh có thể ngăn ngừa tại quốc gia này. Và 1/3 trẻ em mà chúng ta nói đến hôm nay đang dần mắc nguy cơ tiểu đường. Điều khó tưởng tượng nhưng là sự thật, chính là những đứa trẻ đó. Chúng lấp đầy cơ thể bằng calorie có hại và rẻ tiền ở nơi chúng sống hay gia đình chúng có thể chi trả. Nhưng đến cuối tháng, phiếu thực phẩm không còn hay giờ làm bị cắt giảm, khiến họ không chi trả nổi cho thức ăn. Nhưng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này chứ? Ta đều biết câu trả lời là gì. Như một phần công việc ở Nhà Trắng, chúng tôi lập một chương trình. Với các trường có 40% trẻ em nghèo, chúng tôi phục vụ bữa sáng và trưa cho mọi trẻ em. Miễn phí. Chương trình này đã thành công trong việc giúp chúng ta vượt qua rào cản khó khăn khi cung cấp cho trẻ bữa sáng đủ chất. Rào cản đó là sự hổ thẹn. Trường học phục vụ bữa sáng trước giờ học, và chỉ dành cho học sinh nghèo. Vì vậy ai cũng biết người nào gặp khó khăn cần trợ giúp. Trẻ em, bất kể cha mẹ chúng kiếm ra nhiều hay ít tiền, chúng cũng có lòng tự trọng cao. Vậy điều gì xảy ra? Những trường triển khai chương trình này nhận thấy điểm toán và đọc tăng 17.5% 17.5%. Nghiên cứu cũng cho thấy khi trẻ có bữa sáng đều đặn đầy đủ dinh dưỡng, cơ hội tốt nghiệp của chúng tăng 20%. 20%. Khi ta cho trẻ dưỡng chất cần thiết, ta cho chúng cơ hội để phát triển, cả ở trường học và hơn thế nữa. Các bạn không cần tin tôi nhưng hãy nói chuyện với Donna Martin. Tôi yêu Donna Martin. Cô là giám đốc dinh dưỡng tại hạt Burke ở Waynesboro, Georgia. Hạt Burke là một trong những quận nghèo nhất tại bang nghèo thứ 5 cả nước. Và khoảng 100% học sinh của Donna ở ngưỡng nghèo khó. Vài năm trước, Donna quyết định vượt xa những tiêu chuẩn mới và xem lại các tiêu chuẩn dinh dưỡng. Cô cải thiện, thêm trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Cô phục vụ bữa sáng trong lớp cho tất cả học sinh. Cô còn thực hiện chương trình bữa tối. Tại sao? Vì rất nhiều học sinh không có bữa tối khi về nhà. Vậy họ phản ứng như thế nào? Bọn trẻ yêu thức ăn. Chúng yêu việc được ăn đủ chất và thích việc không bị đói. Nhưng sự ủng hộ tích cực nhất đến từ một nguồn không ngờ. Tên anh là Eric Parker, anh là huấn luyện viên trưởng đội bóng Burke County Bears. HLV Parker đã huấn luyện những đội tầm thường nhiều năm rồi. Đội Bears thường được xếp hạng giữa... một nỗi thất vọng lớn tại một trong những bang yêu thích bóng bầu dục nhất. Nhưng vào năm Donna thay đổi thực đơn, đội Bears không những thắng giải quận mà còn giành cúp vô địch bang, đánh bại đội Trojans hạt Peach 28-14. (Cười) Và HLV Parker đã nói chiến thắng được là nhờ Donna Martin. Khi ta cho trẻ những dưỡng chất cần thiết, chúng sẽ phát triển mạnh. Và đó không chỉ phụ thuộc vào những người như Cheryl Barbara hay Donna Martin. Nó phụ thuộc vào tất cả chúng ta. Cung cấp cho trẻ dưỡng chất thiết yếu mới chỉ là sự khởi đầu. Đó chỉ là những ví dụ mẫu cho những vấn đề cấp bách của chúng ta. Nếu ta tập trung vào mục tiêu đơn giản là nuôi dưỡng bản thân đúng cách, ta sẽ thấy một thế giới ổn định hơn, ta sẽ có thể cải thiện mạnh năng suất kinh tế, ta có thể thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe và tiến xa hơn nữa để đảm bảo nguồn cung cho thế hệ sau này. Dinh dưỡng là nơi những nỗ lực chung sẽ có ảnh hưởng lớn nhất. Hãy hỏi bản thân: Thế nào là câu hỏi đúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta cung cấp cho bản thân những loại thức ăn giàu dưỡng chất? Hệ quả sẽ là gì? Cheryl Barbara, Donna Martin, HLV Parker và đội Bears hạt Burke... Họ đã có được câu trả lời. Xin cảm ơn rất nhiều. (Vỗ tay)