Là một trong những trùm xã hội đen khét tiếng nhất lịch sử, Al Capone điều hành một đế chế tội phạm có tổ chức khổng lồ và cực kì có lãi Khi hắn cuối cùng bị đưa ra tòa, hắn chỉ bị kết tội trốn thuế. Khoản tiền chừng 100 triệu đôla một năm, tương đương với 1,4 tỉ đôla theo thời giá hiện nay, mà Capone kiếm được từ cờ bạc trái phép, buôn rượu lậu, mại dâm, và tống tiền, có thể làm bằng chứng cho tội ác của hắn; nhưng người ta lại không tìm ra được số tiền đó. Capone và đồng bọn đã giấu tiền bằng cách đầu tư vào các cơ sở kinh doanh vốn không thể xác định chính xác chủ nhân thực sự, giống như những máy giặt tiền. Thực tế là những chiếc máy giặt một phần giải thích tên gọi của hoạt động này, rửa tiền. Rửa tiền trở thành thuật ngữ chỉ bất kì quá trình hợp pháp hóa những khoản thu phi pháp có nguồn gốc tội phạm, qua đó cho phép lượng tiền này được sử dụng trong nền kinh tế hợp pháp. Nhưng Capone không phải người đầu tiên rửa tiền. Trên thực tế, thủ đoạn này xuất hiện cùng lúc với tiền. Các thương nhân giấu của cải khỏi đám người thu thuế, còn hải tặc thì cố bán chiến lợi phẩm của họ mà không gây tò mò về việc làm sao họ có được nó. Với sự xuất hiện gần đây của tiền tệ ảo, dịch vụ ngân hàng ở nước ngoài, web ngầm, và thị trường toàn cầu, các mánh lới rửa tiền đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều. Dù có sự khác biệt lớn giữa các hình thức rửa tiền hiện đại, hầu hết các hình thức này đều trải qua ba giai đoạn: sắp xếp, phân tán, và tích tụ. Sắp xếp là lúc tiền thu vào trái phép được chuyển thành tài sản có vẻ hợp pháp. Điều này được thực hiện bằng việc gửi tiền vào tài khoản đứng tên bởi một tập đoàn giấu tên hay một người chuyên môi giới. Đây là giai đoạn mà những tên tội phạm thường dễ bị phát hiện, vì chúng chuyển một lượng tiền khổng lồ vào hệ thống tài chính dường như rất đột ngột. Giai đoạn hai, phân tán, bao gồm sử dụng nhiều giao dịch để che giấu nguồn gốc khoản tiền, có thể bằng cách sang nhượng giữa nhiều tài khoản, hay mua tài sản có thể mua bán được, như ô tô đắt tiền, đồ nghệ thuật, và bất động sản. Các sòng bạc, nơi những lượng tiền đổi chủ liên tục từng giây, cũng là một địa điểm phân tán thích hợp. Một kẻ rửa tiền có thể có khoản tiền dư đánh bạc xuất hiện ở các chi nhánh của sòng bạc ở các nước khác, hay móc nối với nhân viên sòng bạc để thao túng trò chơi. Giai đoạn cuối, tích tụ, cho phép tiền sạch trở lại nền kinh tế chính thống và làm lợi cho tên tội phạm ban đầu. Chúng có thể đầu tư vào một công ti hợp pháp, tự nhận chi trả tiền bằng cách tạo hóa đơn giả, hay thậm chí thành lập một hội từ thiện ma mà những kẻ này có chân trong ban giám đốc với mức lương kếch xù. Tội rửa tiền vẫn không được chính thức công nhận là tội liên bang ở Hoa Kì cho đến năm 1986; trước thời điểm đó, chính phủ phải truy tố với một tội danh có liên quan, như tội trốn thuế. Từ năm 1986, chính phủ có thể tịch thu tài sản đơn giản bằng cách chỉ ra rằng đã diễn ra sự che đậy, vốn tạo hiệu ứng tích cực trong việc truy tố các tổ chức tội phạm lớn, như các tay buôn ma túy. Tuy nhiên, việc thay đổi luật pháp đã làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và sự giám sát của chính phủ. Ngày nay, Liên Hợp Quốc, chính phủ các nước, và nhiều tổ chức phi lợi nhuận đều đấu tranh với rửa tiền; song thủ đoạn này tiếp tục đóng vai trò chủ đạo đối với tội phạm toàn cầu. Những vụ án rửa tiền động trời nhất có liên quan đến không chỉ những cá nhân, mà còn các tổ chức tài chính lớn và các quan chức chính phủ cấp cao. Không ai biết chắc chắn tổng số tiền được rửa mỗi năm là bao nhiêu; nhưng theo ước tính của một vài tổ chức, số tiền đó lên đến hàng trăm tỉ đôla.