Salaam alaikum. Chào mừng bạn tới Doha. Tôi chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn lương thực cho đất nước này. Đó là công việc của tôi trong 2 năm tới, thiết kế một kế hoạch tổng thể, và thực hiện nó trong 10 năm sau đó, tất nhiên là cùng với nhiều người khác nữa. Nhưng đầu tiên, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện, câu chuyện của tôi, câu chuyện về đất nước mà các bạn đang ở đây ngày hôm nay. Tất nhiên, hầu hết các bạn đã có 3 bữa ăn ngày hôm nay và có thể sẽ ăn thêm bữa nữa sau sự kiện này. Vậy Qatar những năm 1940 ra sao? Lúc đó có khoảng 11,000 người sinh sống ở đây. Không có nước ngọt. Không có năng lượng, không dầu mỏ, không xe hơi, không có gì cả. Hầu hết người dân ở đây sống ở những làng chài ven biển, đánh cá, hoặc vô gia cư lang thang tìm nước ngọt. Sự quyến rũ tiện nghi mà bạn thấy hôm nay không hề tồn tại. Không có những thành phố mà bạn thấy ở Doha hay Dubai hay Abu Dhabi hay Kuwait hay Riyadh như ngày nay. Không phải người ta không biết phát triển thành phố. Mà vì họ không có tài nguyên để xây dựng. Và bạn có thể thấy là tuổi thọ (của người dân) cũng ngắn. Hầu hết mọi người chỉ sống đến khoảng 50 tuổi. Ta sẽ chuyển sang phần thứ hai: Kỷ nguyên dầu mỏ. Người ta phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1939. Nhưng thật không may, nó không thực sự được khai thác thương mại cho đến sau Thế chiến thứ 2. Dầu mỏ đã mang lại điều gì? Nó thay đổi diện mạo của đất nước, như bạn có thể thấy và chứng kiến ngày nay. Nó cũng mang lại cho cho những người lang thang trong sa mạc - tìm kiếm nước, tìm kiếm thức ăn, cố gắng nuôi sống đàn gia súc của họ - đô thị hóa. Bạn có thể sẽ thấy lạ, nhưng các thành viên trong gia đình chúng tôi nói nhiều giọng khác nhau. Giọng của mẹ tôi rất khác so với ba tôi, và chỉ có 300,000 người sống trong cùng một đất nước. Có khoảng 5 hay 6 giọng địa phương trên đất nước này vào thời điểm hiện tại. Có người hỏi 'Sao lại thế? Sao điều đó có thể xảy ra được?' Đó là vì chúng tôi sống rải rác. Chúng tôi không thể sống tập trung tại một khu vực đơn giản vì sự khan hiếm tài nguyên. Và khi tài nguyên đến, như là dầu mỏ, chúng tôi bắt đầu xây dựng những công nghệ hiện đại và đem mọi người đến gần với nhau vì chúng tôi cần sự tập trung. Mọi người bắt đầu tìm hiểu lẫn nhau. Và chúng tôi nhận ra rằng có một số khác biệt về giọng miền. Và đó là tập hai: thời đại dầu mỏ. Hãy nhìn vào ngày hôm nay. Đây có lẽ là đường chân trời mà phần lớn các bạn biết về Doha. Vậy dân số ngày nay là bao nhiêu? Khoảng 1,7 triệu người. Chỉ trong vòng gần 60 năm. Tốc độ phát triển trung bình của nền kinh tế là khoảng 15% trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuổi tho đã tăng lên thành 78. Lượng nước ngọt tiêu thụ đã tăng lên tới 430 lít. Và đó là những con số ở mức cao nhất trên thế giới. Từ không có một giọt nước nào tới mức sử dụng nước ngọt cao nhất, cao hơn bất cứ quốc gia nào. Tôi không biết đó có phải là là phản ứng với việc thiếu nước hay không. Nhưng điều thú vị trong câu chuyện mà tôi vừa kể là gì? Điều thú vị là chúng tôi tiếp tục phát triển ở mức 15% một năm trong vòng 5 năm gần đây mà không hề có nước ngọt. Đó là thắng lợi mang tính lịch sử. Nó chưa bao giờ xảy ra trước đó. Các thành phố từng bị quét sạch vì thiếu nước ngọt. Đây là lịch sử được tạo ra ngay trong khu vực. Chúng tôi không chỉ xây dựng các thành phố, mà đó còn là những thành phố trong mơ với người dân mơ ước trở thành nhà khoa học, bác sỹ. Xây một ngôi nhà đẹp, hãy mang tới một kiến trúc sư, để thiết kế nhà tôi. Những người này tin tưởng rằng đây là nơi có thể sinh sống khi mà việc đó không khả thi. Nhưng tất nhiên, với việc ứng dụng công nghệ. Brazil có lượng mưa hàng năm là 1.782 mm. Quatar có 74, và chúng tôi có mức độ phát triển tương đương. Câu hỏi là làm thế nào. Làm thế nào mà chúng tôi làm được? Chúng tôi không hề có một chút nước ngọt nào. Đơn giản là nhờ chiếc máy khổng lồ có tên là máy loại muối này. Năng lượng là nhân tố chính ở đây. Nó đã thay đổi mọi thứ. Nó chính là thứ mà chúng tôi bơm ra từ lòng đất , thứ mà chúng ta đốt hàng tấn, thứ mà có lẽ hầu hết các bạn đã dùng để đi đến Doha. Đó chính là lòng hồ của chúng tôi, như các bạn đã thấy. Là con sông của đất nước này. Đó là cách mà tất cả các bạn đây có thể sử dụng và tận hưởng nước ngọt. Đây là công nghệ tuyệt vời nhất mà khu vực này có thể có: công nghệ khử muối. Vậy rủi ro nằm ở đâu? Có phải lo lắng nhiều không? Tôi sẽ nói là, có lẽ nếu bạn nhìn vào thực tế toàn cầu, bạn sẽ nhận ra rằng, tất nhiên là tôi phải lo lắng rồi. Nhu cầu càng ngày càng phát triển, cũng như dân số. Chúng ta vừa có 7 tỷ người chỉ vài tháng trước đây. Và con số đó đòi hỏi nguồn lương thực tương ứng. Và dự đoán là chúng ta sẽ có 9 tỷ người vào năm 2050. Vậy một đất nước không có nước ngọt phải lo lắng về những điều đang xảy ra ngoài vùng lãnh thổ của mình. Cũng có những thay đổi về chế độ ăn uống. Khi đi lên một tầng lớp xã hội cao hơn, mọi người cũng thay đổi chế độ ăn uống của họ. Họ bắt đầu ăn nhiều thịt hơn và cứ như thế. Mặt khác, sản lượng lại đi xuống vì sự thay đổi khí hậu và các yếu tố khác. Và người ta sẽ phải nhận ra khi một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Đây là hoàn cảnh của Qatar, nếu có người còn chưa biết. Trữ lượng nước của chúng tôi chỉ là 2 ngày. Chúng tôi nhập khẩu 90% tổng lương thực, và chỉ trồng trọt trong khoảng dưới 1% diện tích đất đai. Số nông dân có hạn của chúng tôi đang bị đẩy khỏi ngành nông nghiệp, hệ quả của chính sách mở cửa thị trường mang lại những đối thủ lớn, vân vân... Vậy nghĩa là chúng tôi cũng phải đối mặt với những mối đe dọa. Chúng đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Câu hỏi ở đây là, có giải pháp nào cho vấn đề này không? Có một giải pháp bền lâu không? Quả thực là có. Biểu đồ này tóm tắt lại hàng nghìn trang tài liệu kỹ thuật mà chúng tôi đã nghiên cứu trong vòng 2 năm qua. Hãy bắt đầu với nước ngọt. Chúng tôi đều biết rất rõ, như tôi đã chỉ cho các bạn thấy trước đó, là chúng tôi cần nguồn năng lượng này. Vậy nếu chúng tôi cần năng lượng, cụ thể là loại năng lượng nào? Một nguồn năng lượng có thể cạn kiệt? Nhiên liệu hóa thạch? Hay là chúng tôi nên sử dụng một loại năng lượng khác? Chúng tôi có lợi thế đáng kể nào khi sử dụng một nguồn năng lượng khác không? Tôi đoán hầu hết các bạn đều đã nhận ra là có: 300 ngày nắng. Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo đó để sản xuất lượng nước ngọt cần thiết. Và chúng tôi cần khoảng 1,800 megawatts năng lượng mặt trời để sản xuất 3.5 triệu mét khối nước. Đó là một khối lượng lớn nước. Lượng nước đó sẽ được mang đến cho người nông dân, để họ có thể tưới nước cho cây trồng, rồi họ có thể cung cấp thực phẩm cho xã hội. Nhưng để duy trì trục ngang đó, bởi vì đây là nhiều công trình, những hệ thống mà chúng tôi sẽ mang lại, chúng tôi cũng sẽ phải phát triển trục dọc này: hệ thống hỗ trợ, giáo dục trình độ cao, nghiên cứu và phát triển, các ngành công nghiệp, kỹ thuật, để chế tạo các công nghệ ứng dụng, và cuối cùng là thị trường. Nhưng để gắn kết tất cả những điều đó, cho phép chúng xảy ra, là pháp luật, chính sách, điều lệ. Không có chúng, chúng tôi không thể làm gì cả. Và đó là điều mà chúng tôi định làm. Trong vòng 2 năm, chúng tôi hy vọng là sẽ hoàn thành kế hoạch này và bắt đầu thực hiện nó. Mục tiêu đề ra là trở thành một thành phố thiên niên kỷ, giống như những thành phố thiên niên kỷ khác xung quanh đây: Istanbul, Rome, London, Paris, Damascus, Cairo. Chúng tôi mới chỉ 60 tuổi, nhưng chúng tôi muốn sống mãi mãi như một thành phố, sống trong yên bình. Cảm ơn các bạn rất nhiều. (Vỗ tay)