Bạn có để ý số lần lặp lại của đoạn điệp khúc trong bài hát bạn yêu thích? Và hãy thử nghĩ xem, bạn đã nghe nó bao nhiêu lần? Có lẽ, bạn đã nghe lại điệp khúc đó hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Và không chỉ những bài hát nhạc Pop ở phương Tây mới hay đi lặp lại. Sự lặp lại thường là điểm chung giữa các nền âm nhạc trên thế giới. Vậy tại sao âm nhạc phụ thuộc vào sự lặp lại nhiều đến vậy? Một phần lý do đến từ một hiện tượng được các nhà tâm lý học gọi là "Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên". Tóm lại, con người thường thích những thứ mà họ đã từng tiếp xúc trước đây. Ví dụ, có một bài hát trên radio mà chúng ta đặc biệt không thích; nhưng rồi ta nghe được bài hát đó ở cửa hàng tạp hóa, ở rạp chiếu phim, và ở cả góc phố. Chẳng bao lâu, ta sẽ gõ chân theo nhịp hát theo lời, và thậm chí tải bài hát về. Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên này không chỉ áp dụng cho các bài hát mà còn áp dụng cho tất cả mọi thứ: từ các hình khối cho đến quảng cáo Siêu cúp Bóng bầu dục. Vậy điều gì khiến sự lặp lại đặc biệt phổ biến trong âm nhạc đến vậy? Để tìm hiểu, các nhà tâm lý học đã yêu cầu mọi người nghe các bản nhạc không có những đoạn lặp lại giống nhau. Họ được nghe các trích đoạn này dưới dạng bản gốc, hoặc dưới dạng đã được chỉnh sửa để có những đoạn lặp lại. Mặc dù những bản gốc được sáng tác bởi những nhà soạn nhạc đáng nể nhất thế kỉ 20, còn những phiên bản lặp lại chỉ được lắp ghép bằng phần mềm chỉnh sửa; người nghe lại đánh giá phiên bản có đoạn lặp lại hay hơn, thú vị hơn và có nhiều khả năng được con người sáng tác. Phép lặp trong âm nhạc có sức thu hút rất lớn. Hãy nhớ đến bản nhạc kinh điển của những chú rối Muppet, "Mahna Mahna." Nếu đã từng nghe bài hát này, Bạn hầu như không thể, sau khi tôi hát "Mahna Mahna", mà không hát đối lại "Do doo do do do." Sự lặp lại kết nối chặt chẽ mỗi đoạn nhạc với đoạn nhạc theo sau nó. Do đó chỉ cần nghe vài nốt nhạc, bạn đã tưởng tượng ra phần tiếp theo. Bạn sẽ vô thức hát nhẩm trong đầu và vô tình bạn có thể ngân nga thành tiếng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, khi nghe một đoạn nhạc lặp lại, người ta sẽ hay nhún nhảy hoặc gõ theo nhịp hơn. Sự lặp lại đưa chúng ta tham gia vào thế giới âm nhạc bằng trí tưởng tượng, thay vì chỉ nghe một cách thụ động. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người nghe di chuyển sự chú ý của họ trong khi nghe các đoạn nhạc lặp lại, sẽ tập trung vào những khía cạnh khác của âm thanh với mỗi lần nghe lại. Có thể bạn sẽ chú ý về một câu giai điệu khi nghe lần đầu tiên, nhưng khi nó lặp lại, bạn sẽ chú ý sang tiếng nhéo dây của đàn ghi-ta. Điều này cũng xảy ra trong ngôn ngữ và được gọi là "Sự bão hòa ngữ nghĩa". Lặp lại một từ nhiều lần, ví như "atlas ad nauseam" có thể khiến bạn không còn nghĩ về nghĩa của từ đó nữa; thay vào đó là tập trung vào âm thanh: việc âm "L" theo sau âm "T" khá lạ tai. Bằng cách này, việc lặp lại có thể mở ra một thế giới mới về âm thanh mà sẽ không thể tiếp cận được ở lần nghe đầu tiên. Âm "L" theo sau âm "T" có lẽ không liên quan đến từ "atlas" về mặt thẩm mỹ, nhưng tiếng nhéo dây ghi-ta có thể mang một ý nghĩa biểu đạt quan trọng. "Ảo giác lời nói thành tiếng hát" cho thấy việc đơn thuần lặp lại một câu nhiều lần sẽ hướng sự tập trung của người nghe sang khía cạnh cao độ và trường độ của âm thanh. Do đó ngôn ngữ nói khi được lặp lại sẽ bắt đầu nghe tựa như đang được hát. Hiệu ứng tương tự cũng xảy ra với những chuỗi âm thanh ngẫu nhiên. Người nghe sẽ đánh giá những chuỗi âm thanh ngẫu nhiên được chơi lặp lại là êm tai hơn những chuỗi âm thanh ngẫu nhiên mà họ chỉ được nghe một lần. Sự lặp lại đã mang đến một dạng định hướng về âm thanh mà ta cho là có tính âm nhạc rõ nét, khi ta nghe những âm thanh, và hình dung ra nốt nhạc tiếp sau đó. Chế độ nghe này gắn liền với tình trạng dễ nhiễm "vi trùng" âm nhạc của chúng ta, khi những đoạn nhạc in sâu vào đầu chúng ta và cứ lặp lại liên hồi. Giới phê bình thường cảm thấy khó chịu về sự lặp lại trong âm nhạc, cho rằng đó là nông cạn hoặc một bước thụt lùi, nhưng sự lặp lại chẳng những không gây khó chịu mà còn là một đặc tính quan trọng mang đến cho chúng ta một trải nghiệm mà chúng ta vốn coi là âm nhạc.